Để đứng vững tại thị trường trong nước và tận dụng được những cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài yếu tố chất lượng, cần nhanh chóng cơ giới hóa một cách đồng bộ trong sản xuất và đẩy mạnh chế biến nông sản.
Thách thức từ hội nhập
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, mặc dù thực hiện mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Sản xuất nông nghiệp không chỉ có nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt hơn 40 tỷ USD, năm 2019 dự kiến sẽ đạt khoảng 41,3 tỷ USD.
Còn theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên thế giới trong giai đoạn tới tiếp tục tăng lên, đặc biệt là nông sản, thực phẩm qua chế biến.
Chỉ tính riêng tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau củ chế biến của thế giới đã đạt 2.200 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm chế biến sâu sử dụng nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và sản xuất nhiên liệu sinh học ngày càng tăng.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, với lợi thế về nguồn nguyên liệu nông nghiệp phong phú và cam kết mở cửa thị trường nông sản từ những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cánh cửa xuất khẩu nông sản của Việt Nam ngày càng rộng.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế cũng đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam phải cạnh tranh với nông sản các nước khác không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường nội địa.
Cùng với đó, kinh tế càng phát triển thì người tiêu dùng càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Hơn nữa, trình độ chế biến, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam so với nhiều nước còn hạn chế, nhận thức của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về cơ giới hóa chưa cao nên đầu tư cho máy móc sản xuất còn thấp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa cơ khí - công nghệ, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Điểm yếu của cơ giới hóa trong nông nghiệp Việt Nam là mới chỉ sản xuất một số máy cơ giới mà chưa có sự phát triển đồng bộ các loại máy, thiết bị có thể vận hành cho cả quy trình sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến.
Đặc biệt, khâu bảo quản nông sản là vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng nông sản và sản phẩm sau chế biến nhưng hiện nay hệ thống kho còn thiếu, nhất là kho lạnh. Bên cạnh đó, cơ giới hóa còn đòi hỏi phải có chất lượng hạt giống đồng đều và quy trình chăm sóc tốt để có thể thu hoạch đại trà.
Cùng quan điểm này, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam nhấn manh: Việc phát triển các kỹ thuật đơn lẻ trong cơ giới hóa và chế biến nông sản rất khó để áp dụng cho sản xuất quy mô lớn trong khi muốn hiệu quả phải được thực hiện đồng bộ theo chuỗi.
Hiện nay công nghệ bảo quản trái cây, rau củ hiện đại nhất là bảo quản lạnh, đòi hỏi phải có kho lạnh ngay tại vùng trồng, phương tiện vận chuyển cũng phải có hệ thống làm lạnh trong khi các vùng trồng trái cây lớn đều chưa có kho lạnh và xe lạnh.
Mặt khác, Việt Nam hiện có rất nhiều loại trái cây nhưng là giống trái cây dành cho nhu cầu ăn tươi, chưa có nhiều giống trái cây phù hợp cho hoạt động chế biến nên vào mùa vụ chính trái cây tươi tiêu thụ không hết đành phải đổ bỏ, trong khi một số nhà máy chế biến không có đủ nguyên liệu đạt chuẩn để hoạt động hết công suất.
Thúc đẩy cơ giới hóa, chế biến
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: Việt Nam mỗi năm đang xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn gạo nhưng chỉ thu lại 2 - 3 tỷ USD, bằng một nửa so với các các quốc gia khác xuất khẩu cùng khối lượng vì cách thức tổ chức sản xuất chưa hợp lý hợp lý, chất lượng nông sản không ổn định, tổn thất sau thu hoạch lớn.
Tại công ty Trung An, mặc dù đã đầu tư rất nhiều thiết bị cơ giới nhưng vẫn chưa thực hiện được cơ giới hóa một cách đồng bộ. Nguyên nhân là doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân nhưng phần lớn hộ đều có diện tích sản xuất nhỏ.
Chính vì vậy, muốn cơ giới hóa đồng bộ phải kiên quyết thực hiện được liên kết cánh đồng lớn. Điều này đồng nghĩa phải có giải pháp khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa, thành lập hợp tác xã tập trung diện tích để sản xuất lớn.
Theo ông Phạm Trung An, chính sách khuyến khích đầu tư và nông nghiệp đã có rất nhiều nhưng chưa đi vào thực tế nên hiệu quả chưa cao. Do đó, thay vì đề ra các chính sách, Nhà nước nên tập trung nâng cao hiệu quả thực thi những chính sách hiện có một cách cụ thể như hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất cánh đồng lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng nhà kho, cơ sở thu gom trên đất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thu mua, bảo quản nông sản tại chỗ trong giai đoạn cao điểm thu hoạch…
Ở mảng chế biến, ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex cho rằng: Chế biến nông sản phải dựa trên những tiêu chuẩn chất lượng nhất định tùy vào đặc điểm của mỗi loại nông sản. Sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện xếp thứ 15 thế giới và có sự linh hoạt theo nhu cầu khách hàng nhưng nông sản Việt Nam khó tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản một phần vì chất lượng nông sản chưa cao, phần khác là sản phẩm nông sản Việt Nam chủ yếu xuất thô, tươi, thiếu sự đa dạng trong chế biến.
Để thúc đẩy hoạt động chế biến nông sản, cơ quan quản lý cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, tránh trường hợp mỗi cơ sở chế biến làm một kiểu, sản phẩm nhiều nhưng không thuyết phục được người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đầu tư vào nhà máy chế biến công suất lớn, công nghệ hiện đại cần nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi chậm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hợp lý.
Theo ông Đỗ Hà Nam, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn quan tâm vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm nhưng không có kinh nghiệm, kiến thức trong ngành, trong khi đó những doanh nghiệp chế biến lại không có vốn để đầu tư và người nông dân đang sản xuất rời rạc, không xác định được đầu ra.
Vì vậy, muốn giải quyết bài toán chất lượng, giá trị, đầu ra cho nông sản, cách hiệu quả nhất là kết hợp những nhà đầu tư có vốn với doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ngành chế biến và tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, cánh đồng lớn.
Khi đó, nông dân liên kết được bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp có nguồn vốn xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị mở rộng chế biến và đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, Nhà nước đóng vai trò kết nối và điều tiết để công nghiệp chế biến nông sản phát triển đúng định hướng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp tồn tại nhiều điểm yếu về cạnh tranh và giá trị, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn đang xây dựng khung chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu phát triển cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị và điều kiện đầu tư phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Theo đó, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; trong đó các ngành hàng nông sản chủ lực có trình độ chế biến tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết: Để thực hiện được mục tiêu trên, cần tổ chức lại họat động sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia, có công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Xây dựng các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics.
Điển hình như cụm sản xuất - xay xát - bảo quản - chế biến lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; cụm nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; cụm liên kết trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu tại Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên…
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, đối với cơ giới hóa, phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào chế tạo máy nông nghiệp và chế biến nông sản; khuyến khích nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng các công nghệ mới như robot, tự động hóa chăm sóc cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản.
Cụ thể, các chuyên gia đề nghị các ngành liên quan cần đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; trong đó ưu tiên đầu tư phát triển sớm các loại máy móc phục vụ canh tác, thu hoạch, bảo quản nông sản. Ngành nông nghiệp hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới hóa ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả cơ giới hóa.