Theo đó, trong năm 2021 Bộ Công Thương sẽ tập trung vào hoàn tất các công việc liên quan đến xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định UKVFTA với các cam kết phải thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiến hành xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định cơ quan đầu mối để thực thi Hiệp định UKVFTA cũng như các chương của hiệp định; cơ quan đầu mối để tham gia Ủy ban thương mại, các ủy ban chuyên ngành; đầu mối về thông tin liên lạc giữa Việt Nam và Anh về các vấn đề của hiệp định... và tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc giới thiệu các thông tin và nội dung cam kết về Hiệp định UKVFTA.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chương trình phát triển thị trường cụ thể cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường Anh, đưa ra những hướng dẫn, hỗ trợ để giúp doanh nghiệp hiểu rõ cách thức tiếp cận và tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định UKVFTA mang lại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hiện đang được triển khai rất hiệu quả với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), để các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng có sự tham gia của các doanh nghiệp Vương quốc Anh, từ đó mở rộng sang các liên kết với phạm vi rộng hơn trong khu vực và toàn cầu.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến việc xây dựng, sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện các cam kết có lộ trình trong Hiệp định UKVFTA.
Mặt khác, thúc đẩy hoạt động tuyên truyền chuyên sâu, chú trọng vào các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, phân tích về Hiệp định UKVFTA cho cán bộ trung ương, địa phương và các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế sang Anh và các vùng lãnh thổ và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn tại thị trường UK, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức thương mại điện tử, duy trì App truy xuất nguồn gốc phục vụ các doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu.
Theo kế hoạch này, hoạt động của Ủy ban Thương mại, ủy ban chuyên ngành, các nhóm chuyên môn theo từng chương của hiệp định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục điều phối, chủ động nắm bắt và xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai hiệp định cũng như hỗ trợ những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi hiệp định.