Là một trong những hộ đầu tiên phát hiện tình trạng cua chết trên diện rộng, ông Bùi Lũy (ngụ ấp Tân Trung, xã Tân Ân Tây) cho biết, đây là lần đầu tiên ông thấy cảnh cua chết bất thường nhiều như vậy. Trên thực tế sản xuất, sau khi thả giống gia đình đều có thể xác định được mức độ đạt của cua nuôi, từ đó đến nay có thể thấy tình trạng cua chết của gia đình là khoảng 70%.
“Thông thường, với diện tích 8ha, mỗi năm gia đình có thể thu về khoảng 100 triệu đồng từ việc bán cua. Năm nay, ở đầu vụ (khoảng cuối tháng 12 năm trước), tôi thả 20.000 con cua giống, cộng với số cua cũ vẫn còn trong vuôn nhưng thời điểm thu hoạch, cứ bắt lên 10 con thì chết hết 7 con, chỉ bán được 3 con”, ông Lũy cho hay.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều diện tích vuông nuôi của người dân xung quanh. Như những năm trước, khi đến mùa khô thì vẫn có xảy ra tình trạng cua chết, tuy nhiên chỉ ở mức độ không đáng kể, đa số là các con cua già (nông dân chưa thu hoạch hết ở vụ trước).
Theo người dân địa phương, không chỉ diễn ra tình trạng con cua khỏe mạnh bị chết sau khi bắt lên mà hiện tượng cua chết tấp vào mé bờ cũng xảy ra. Đặc biệt, những con cua còn sống chất lượng thịt cũng không bình thường.
“Cua bắt lên một lúc chết cũng có, và chết dưới vuông cũng có. Con cua cũng bị ốp (không cứng), nên bán không có bao nhiêu tiền. Hiện tại cua đang có giá khá cao, cua gạch từ 500.000-600.000 đồng/kg, cua thịt khoảng 300.000 đồng/kg, nhưng không có cua để bán”, ông Trương Thanh Nhân (ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) nói.
Ông Hồ Hoàng Nam, cán bộ Trạm khuyến ngư xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết, trước sự phản ánh của người dân, xã đã ghi nhận tình trạng tỷ lệ cua chết khoảng 50% trở lên. Trước tình trạng trên xã đã báo lên các ngành chuyên môn và lấy mẫu cua, mẫu đất và mẫu nước để phân tích làm rõ nguyên nhân.
Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển cho biết đang phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phân viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các xã Tân Ân Tây, Viên An Đông và các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát thực tế, ghi nhận ý kiến các hộ nuôi cua bị thiệt hại.
Cụ thể, từ trước Tết âm lịch năm 2020, cua có hiện tượng mềm vỏ, ốp, bên cạnh đó xuất hiện sùi bọt, các cơ chân co giật, run run rồi chết. Đến những tháng đầu năm 2021, cua chết có biểu hiện khác như màu sắc bị sậm, thân hình đen, đóng rong rêu, trong vuông xuất hiện xác của chết nổi lên mặt nước.
Cán bộ khuyến nông cơ sở đã trực tiếp đo các yếu tố môi trường nước tại những hộ nuôi và kết quả ban đầu đều nằm trong khoảng thích hợp.
Do chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu tiến hành lấy mẫu phân tích cua, tôm, mẫu đất, xét nghiệm và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.
Nhận định ban đầu của ngành chức năng địa phương cho thấy tình hình nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thời tiết thay đổi thất thường, nắng gay gắt, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá cao, đây được xem là một trong những tác nhân có lợi cho các vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh lên đối tượng nuôi như tôm cua, cá... Khi kiểm tra trên mẫu cua chết có phát hiện ký sinh trùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tình trạng cua chết tại huyện Ngọc Hiển.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, các viện, trường có liên quan và UBND huyện Ngọc Hiển kiểm tra, xác định nguyên nhân cua nuôi bị chết từ đó hướng dẫn hộ dân thực hiện các biện pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đồng thời, đối chiếu trường hợp cua nuôi bị chết nêu trên với quy định hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, trường hợp đảm bảo điều kiện, hướng dẫn chính quyền địa phương và hộ dân thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các địa phương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, rà soát, khuyến cáo, hướng dẫn hộ nuôi thủy sản các biện pháp chăm sóc, phòng chống thiệt hại trên thủy sản nuôi; trong đó có cua nuôi.