Vượt qua mùa khô hạn, xâm nhập mặn

Khô hạn ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang diễn ra khắc nghiệt. Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào nửa cuối của cuối mùa khô song vẫn có nguy cơ bị thiệt hại nếu chủ quan. Các địa phương vẫn nỗ lực ứng phó, vượt qua mùa khô hạn và xâm nhập mặn.

Chú thích ảnh
Ruộng lúa thiếu nước không trổ đồng tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Tuy không khắc nghiệt như các đợt cao điểm xâm nhập mặn tháng 3, song hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể kéo dài đến tháng 5. Không chỉ chủ động ứng phó với nhiều giải pháp ngay từ cuối năm 2023 cho mùa khô này, nhiều địa phương vẫn tiếp tục lên kế hoạch đảm bảo sản xuất hiệu quả trước khô hạn vẫn còn xảy ra.

Từ đầu mùa khô 2023 - 2024 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long có tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%, đáng chú ý nhiều nơi cả tháng không có mưa như tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu. Thiếu nước, khô hạn không chỉ xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn xảy ra cả ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Ngay từ đầu mùa khô, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong Kế hoạch Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vụ mùa 2023 - 2024. Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tỉnh cũng đã đưa ra 2 nhóm giải pháp ứng phó với El Nino gồm nhóm giải pháp phi công trình và nhóm giải pháp công trình. UBND tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống vụ Hè Thu của ngành nông nghiệp để tránh gặp bất lợi về sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn có những diện tích nhỏ ở một vài địa phương do không tuân thủ thời vụ đã dẫn đến thiệt hại do hạn mặn. Điển hình, có 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng, đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, vùng còn có khoảng 1.581 ha cây trồng ở Sóc Trăng và Bến Tre có nguy cơ giảm năng suất.

Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào vụ Hè Thu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hạn mặn vẫn còn khoảng hơn 1 tháng nữa. Trên cơ sở khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng cũng lên lịch thời vụ sao cho né được khô hạn, đủ thời gian cách ly 2 vụ để tránh rầy nâu lây lan nhưng cũng cần hạn chế thiệt hại do mưa dông cuối vụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, ngành đã khuyến cáo nông dân thời vụ xuống giống vụ Hè Thu 2024 với 3 đợt và kéo dài đến ngày 10/5. Đặc biệt, đợt 1 tập trung ở những vùng tiểu vùng sản xuất lúa hai vụ và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ Thu Đông với diện tích khoảng 60.000 ha. Điều này nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ.

Theo Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn đợt cuối cùng của tháng này kéo dài đến 26/4 với ranh mặn 4 g/l lớn nhất từ 46 - 63 km trên các cửa sông Cửu Long, từ 100 - 110 km trên sông Vàm Cỏ và từ 53 - 57 km trên sông Cái Lớn. 

Về tình hình hạn hán ở Nam Trung Bộ, Cục Thủy lợi cho biết, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 64% dung tích thiết kế. Hiện trong vùng có 102/534 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế; trong đó 29 hồ nhỏ dưới mực nước chết (12 hồ do đang sửa chữa nâng cấp không tích nước).

Tại khu vực Đông Nam Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 54% dung tích thiết kế. Hiện nay trong khu vực có 8 hồ nhỏ dưới mực nước chết, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (1 hồ), Bình Phước 2 hồ), Đồng Nai (5 hồ).

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài lại rơi đúng vào thời điểm cây sầu riêng ở Bà Rịa-Vũng Tàu ra hoa, đậu trái. Do đó, nhiều diện tích sầu riêng ra hoa không đều, khi cây hình thành trái non cây bị sốc nhiệt lại bị rụng khá nhiều. Số sầu riêng đang cho trái dự kiến đến tháng 5 sẽ cho thu hoạch.

Gia đình ông Nguyễn Hải Nam, ngụ ấp Tân Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức có gần 2 ha trồng sầu riêng Ri6 và sầu Thái. Ông cho biết, những ngày gần đây nắng nóng kỷ lục khiến vườn sầu riêng của gia đình ông liên tục bị rụng trái non, với tỷ lệ rụng hiện nay khoảng hơn 30% và trái non trên cây vẫn đang tiếp tục rụng khiến ông rất lo lắng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo người trồng sầu riêng tưới nước đầy đủ cho cây. Bên cạnh đó, sử dụng các loại vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm rạ, cành cây lá khô, xác bã thực vật để che phủ giữ ẩm quanh gốc cũng như toàn vườn để hạn chế quá trình bốc hơi nước, duy trì độ ẩm cho đất. Hay nuôi giữ cỏ và thảm thực vật tự nhiên trong vườn để che phủ giữ ẩm cho đất; bổ sung hữu cơ che phủ cho đất và dinh dưỡng cho cây để chống chịu với thời tiết nắng nóng kéo dài.

Chú thích ảnh
Đàn gia súc ở tỉnh Bình Thuận đi tìm nước uống giữa trưa nắng bên cạnh dòng suối đã cạn trơ đáy. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Nắng nóng kéo dài đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khan hiếm, nhiều công trình thủy lợi ở Tây Nguyên cạn nguồn nước. Theo Cục Thủy lợi, hiện tại trên địa bàn có khoảng 10.610 ha bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, chủ yếu là diện tích ngoài các hệ thống công trình thủy lợi. Riêng tại Đắk Lắk, đã có hơn 2.000 ha cây trồng trên địa bàn bị ảnh hưởng cùng hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn hán kéo dài. 

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn xã có 1.858 ha cà phê. Đây là cây chủ lực của địa phương. Hạn hán đã ảnh hưởng đến khoảng 500 ha cây trồng trên địa bàn xã, nhất là cây cà phê. Trong khi đó, trên địa bàn, hai công trình thủy lợi là hồ Ea Muých và hồ Ea Blang đều đã cạn kiệt nguồn nước. Do đó, người dân chỉ trông chờ vào trời mưa để cứu cây trồng.
 
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với những hồ không đảm bảo mực nước, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân giảm diện tích sản xuất, chuyển đổi cây trồng ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước, không có nước sản xuất. Công ty khuyến cáo, người dân cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai các mô hình tưới nước tiết kiệm để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Cục Thủy lợi, tại khu vực Tây Nguyên, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 36% dung tích thiết kế. Hiện trong vùng có 621/1.303 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế; trong đó 110 hồ nhỏ dưới mực nước chết, riêng Đắk Lắk có 49 hồ. Dự báo thời gian tới, nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay, mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ luôn chỉ đạo đơn vị chuyên môn theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn; tiếp tục thực hiện việc dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn và xây dựng kế hoạch sử dụng nước ở các vùng/lưu vực sông để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Các địa phương tiếp tục tăng cường việc vận hành các công trình thuỷ lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh. Tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Đồng thời, tăng cường các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, trữ nước phục vụ sinh hoạt.

Bích Hồng (TTXVN)
Xâm nhập mặn có xu thế tăng dần
Xâm nhập mặn có xu thế tăng dần

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 21-30/4, ngày 20/4, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, xâm nhập mặn ở khu vực trên có xu thế tăng dần vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN