Vùng tiêu Tây Nguyên tìm cách hồi sinh - Bài 3: Tìm biện pháp ổn định lâu dài

Các địa phương đang tìm hướng giải quyết những khó khăn ở các vùng trồng tiêu Tây Nguyên như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông sản của bà con phải phù hợp với tình hình thổ nhưỡng, khí hậu cũng như gỡ khó trong các chính sách hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân...

Tìm các giải pháp lâu dài

Chiếm khoảng 60% thị phần toàn cầu, hồ tiêu Việt Nam được đánh giá là mặt hàng nông sản có vị thế trên thị trường quốc tế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam đã đạt được kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu hơn 1 tỷ USD, góp phần đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, sản xuất hồ tiêu cũng đã tạo việc làm cho khoảng 50.000 nông dân sản xuất hồ tiêu (trong đó 35% thuộc dân tộc thiểu số) và trong nhiều năm góp phần giảm nghèo ở các vùng trồng hồ tiêu.

Chú thích ảnh
Nhiều cánh đồng bị bỏ không chờ những biện pháp rốt ráo.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 109 nước nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường đứng đầu về lượng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam với gần 52 nghìn tấn, chiếm hơn 25% tổng lượng xuất khẩu Hồ tiêu của Việt Nam. Châu Âu vươn lên trở thành khu vực nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 với tổng lượng nhập khẩu đạt hơn 38 nghìn tấn, chiếm gần 19%. Thị phần của châu Mỹ đạt hơn 16%, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam với lượng nhập khẩu hơn 30 nghìn tấn, chiếm gần 14%, tăng 3.000 tấn so cùng kỳ.

Phát biểu tại hội nghị Hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 47 diễn ra tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) tháng 11/2019 do Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội hồ tiêu quốc tế, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam tổ chức, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Việt Nam hiện nay vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu đạt 250 nghìn tấn, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Thực tế nhu cầu sử dụng sản phẩm hồ tiêu trên thế giới còn rất lớn. Ngoài sử dụng hồ tiêu làm gia vị trong thực phẩm, hồ tiêu còn được sử dụng trong việc chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược”.

Theo Thứ trưởng Doanh, ngành hồ tiêu đang đứng trước những thách thức lớn về chất lượng và biến động giá cả rất mạnh. Tuy nhiên, trước thực tế nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vẫn rất lớn, vì không chỉ sử dụng trong ngành thực phẩm gia vị mà hồ tiêu còn sử dụng trong ngành mỹ phẩm làm đẹp. Do vậy, trong thời gian tới điều cần làm nhất theo đại diện của Bộ NN&PTNT là Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu, nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa yêu cầu của thị trường hồ tiêu toàn cầu.

Tuy nhiên, không chỉ ngành hồ tiêu Việt Nam mà cả ngành hồ tiêu quốc tế cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng, các quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng với các yêu cầu mới của thị trường quốc tế.

Vì lẽ đó, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, ngành hồ tiêu Việt Nam không nên tăng diện tích, cần tập trung vào thâm canh theo hướng bền vững trên diện tích có điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp, thuận lợi về nguồn nước, giữ vững sản lượng. Tập trung vào phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu theo hướng bền vững, đảm bảo VSATTP. Đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người nông dân, chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu, đảm bảo chất lượng tiêu nguyên liệu sạch cho chế biến và xuất khẩu. Từng bước xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn xuất xứ… theo yêu cầu thị trường, đặc biệt các thị trường cao cấp có giá trị gia tăng; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để duy trì và phát triển mạnh hơn năng lực xuất khẩu.

“Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa có cây giống nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu... Do vậy, từ nay cây tiêu không nên đi theo con đường chay theo số lượng nữa mà phải là chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Lợi thế lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam ở thời điểm hiện tại có lẽ là cơ hội tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với 27 nước châu Âu (EVFTA). Theo Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang cả thị trường CPTPP và EU. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm tiêu chế biến sang các thị trường tiềm năng thay vì xuất khẩu tiêu hạt nguyên liệu đang có chiều hướng giảm mạnh. Cùng với đó, việc Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA và CPTPP cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường và tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hồ tiêu.

Để Việt Nam giữ vững và phát triển vị thế đối với ngành hàng tiêu thì các doanh nghiệp, hộ sản xuất, đại diện của Bộ NN&PTNT khẳng định không được chủ quan và phải thường xuyên không ngừng đổi mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu khác của các nước nhập khẩu.

Nhà nước phải là bà đỡ

Xu thế hội nhập kinh tế thế giới “sâu và rộng” của nước ta trong thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho nền nông nghiệp nói chung và ngành Hồ tiêu nói riêng, nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” giúp các nhà nông, hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu Hồ tiêu trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn, tiếp cận khoa học, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến, tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Trần Văn Văn, Phó Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Gia Lai khẳng định: “Người nông dân chỉ tập trung sản xuất nông sản. Liên kết mang tính sống còn, rất quan trọng trong tiến trình phát triển. Hộ dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn hợp tác xã quản lý, hợp tác xã sẽ là đơn vị liên kết với doanh nghiệp lớn. Nông sản hộ dân sản xuất ra thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, họ đấu nối với doanh nghiệp”.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) hạn chế của cây tiêu Việt Nam trên thế giới vẫn còn rất nhiều. Việt Nam bị đánh giá thấp về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với cây tiêu. Thêm nữa, tiêu Việt Nam thường chỉ được xuất khẩu thô, không có thương hiệu nào tại EU và Mỹ, không xây dựng tên tuổi cũng như đưa thương hiệu tiêu tốt nhất đến với người tiêu dùng.

Thông tư 109 hỗ trợ kinh phí cho chứng nhận hữu cơ nhưng là tiêu chuẩn Việt Nam. Nếu chứng nhận thêm tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam thì được hỗ trợ. Trong khi đó, sản phẩm đạt tới tiêu chuẩn theo EU, Mỹ, Nhật Bản thì lại không được hỗ trợ kinh phí này. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP cũng có hỗ trợ cho các sản phẩm địa phương, nhưng hỗ trợ phần nào vẫn có độ trễ về thời gian, nhân lực và cách sử dụng hỗ trợ như thế nào. Vì thế ông Nguyễn Tấn Công và nhiều người làm tiêu ở địa phương vẫn rất mong mỏi Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ và chủ động làm chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu Đăk Đoa - một phần quan trọng trong việc tăng sự nhận diện cho hồ tiêu địa phương.

Để đạt những mục tiêu phát triển bền vững, phải hiện đại hóa ngành nông nghiệp dựa trên sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước và huy động được các nguồn lực đầu tư xã hội. Trong điều kiện ngân sách Chính phủ hạn hẹp và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ưu đãi giảm dần, Hợp tác công-tư được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư, góp phần thiết thực vào phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác công tư trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất hồ tiêu nói riêng, năm 2015, Nhóm Hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu đã chính thức được thành lập do Cục bảo vệ thực vật và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đóng vai trò đồng chủ trì có nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ Bộ tăng cường tổ chức liên kết sản xuất và cải thiện quản lý và sử dụng thuốc. Thành viên của nhóm Hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu gồm các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT; các viện, trường, trung tâm nghiên cứu liên quan; các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu, doanh nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và đại diện tổ/nhóm nông dân trồng hồ tiêu.

Dự kiến triển khai từ năm 2021 - 2026, Đề án phát triển bền vững ngành hồ tiêu tại Việt Nam của Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với nhà tài trợ và Sở NN&PTNT các tỉnh xây dựng đề xuất dự án Phát triển bền vững ngành hàng Hồ tiêu, nằm trong đề xuất dự án “Phát triển bền vững ngành hàng Điều, Hồ tiêu và Cây ăn quả”, dự kiến vay vốn của Ngân hàng Thế giới.

Dự án nhằm phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng hồ tiêu thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản cho hoạt động nông nghiệp - công nghiệp như tiếp cận với năng lượng, mạng lưới giao thông, các trung tâm công nghệ cao; và điều chỉnh các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tạo điều kiện tiếp cận tài chính, thuế và các điều chỉnh chính sách khác, tạo thêm việc làm cho người dân. Dự kiến có khoảng 41.000 ha hồ tiêu được canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 18 - 20%. Tổng sản lượng đạt 120.000 tấn, sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao đạt 70 - 80%.

Một hành trình dài để hỗ trợ người dân và ngành sản xuất hồ tiêu phát triển bền vững. Nhưng những bài học từ sự phát triển cây hồ tiêu, từ việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước  trong xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm nông nghiệp đúng hướng sẽ còn hữu dụng trong nhiều ngành nông nghiệp khác. Hơn ai hết, người nông dân - những người dễ tổn thương nhất trong chuỗi liên kết vẫn luôn cần những hành động trực tiếp và liên tục để sớm vực dậy từ những khó khăn, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Bài cuối: Vị ngọt của hồ tiêu

Lê Sơn/Báo Tin tức
Bàn giải pháp thực hành, canh tác hồ tiêu bền vững
Bàn giải pháp thực hành, canh tác hồ tiêu bền vững

Ngày 12/11, tại khách sạn Pullman (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã diễn ra hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 47.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN