"Chóng mặt" với tốc độ mở rộng diện tích
Hậu quả của việc người dân chạy theo thị trường, bất chấp cảnh báo của các cơ quan chuyên ngành, khuyến nông, phá vỡ quy hoạch... đã được nhắc tới nhiều trong những năm qua. Khi cung vượt cầu tất yếu dẫn đến rớt giá, suy thoái thị trường. Khi đó, chính các nông hộ là người chịu thiệt hại, kéo theo đó là biết bao hệ lụy về an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Thông tin từ Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), ngành hàng hồ tiêu đang phải đối mặt với việc diện tích tăng quá nóng, phá vỡ quy hoạch cả nước, lên đến 153.000 ha so với quy hoạch là 50.000 ha, tức là vượt gấp 3 lần so với quy hoạch.
Ngoài tác động của việc tăng diện tích quá nóng thì dịch bệnh, kênh tiêu thụ, tình hình biến động giá hồ tiêu trên thị trường thế giới là yếu tố tác động trực tiếp đến đầu tư phát triển ngành hồ tiêu Tây Nguyên trong thời gian qua.
Năm 2013 giá hồ tiêu đạt đỉnh điểm 230 triệu đồng/tấn, khiến người dân Tây Nguyên nói chung và người dân tỉnh Đắk Nông nói riêng, ồ ạt đầu tư phát triển diện tích trồng tiêu không ngừng. Đến giai đoạn 2017 – 2018, giá hồ tiêu bắt đầu giảm sâu xuống chỉ còn 60 triệu - 77 triệu đồng/tấn. Cho đến tháng 3/2019 giá hồ tiêu giảm mạnh, chỉ còn 47 triệu đồng/tấn, trong khi chi phí đầu tư sản xuất cao (giá nhân công, giá phân bón, giá xăng dầu... ) đều tăng cao.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thời điểm hoàng kim của ngành, hồ tiêu Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD vào năm 2016. Nhưng năm 2017 chỉ đạt 1,1 tỷ USD và chỉ còn gần 759 triệu USD trong năm 2018. Ước tính, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành hồ tiêu đạt chỉ 717 triệu USD, giảm 5,5% so với năm 2018, trở lại mức xuất khẩu hồ tiêu của năm 2012.
Theo tính toán của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng/ha đối với trồng mới và giai đoạn kiến thiết; và 60 triệu đồng/ha đối với giai đoạn kinh doanh dẫn đến việc người dân đầu tư sản xuất hồ tiêu không có lãi (lãi âm), không đủ khả năng đầu tư sản xuất.
Với các hộ dân đầu tư sản xuất hồ tiêu trước năm 2013 đến 2015 , vườn tiêu đã đi vào giai đoạn kinh doanh, thu nhập ổn định và được hưởng thời điểm giá hồ tiêu cao, thì đến nay vẫn có điều kiện duy trì đầu tư sản xuất, nhưng không đủ để trả nợ cho ngân hàng theo định kỳ.
Với hộ dân đầu tư sản xuất hồ tiêu sau năm 2016 đến nay, đa số vườn tiêu đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết, thu sản lượng thấp hoặc chưa có thu, do đó các hộ sản xuất này không đủ tài chính để duy trì đầu tư sản xuất (bỏ vườn để tiêu chết, thậm chí có hộ bỏ xứ đi nơi khác làm thuê), vì vậy số hộ này không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai lý giải: “Khi giá cao, nông dân ép sản lượng, tăng bón phân vào gốc tiêu để đạt năng suất tới 8 - 9kg/gốc (bình thường chỉ khoảng 2 - 3kg/gốc), giá từ 200 - 300 nghìn đồng/kg. Ép quá thì sinh ra nấm bệnh. Sau thời gian đó tiêu chết nhanh, mất trắng một số diện tích trồng tiêu. Thời điểm đỉnh điểm nhiều nhà còn bỏ tiền mua 1 ha đất cả tỷ đồng. Tiêu chết không ai mua đất, bán đất chỉ 200 - 300 triệu đồng/ha cũng ế ẩm”.
Không quan tâm đến kỹ thuật
Cây tiêu là cây trồng rất mẫn cảm với các điều kiện về khí hậu, thời tiết, đất đai, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đặc biệt là thời tiết mưa nhiều, đất bị úng nước sẽ dẫn đến cây bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh và bệnh vàng lá chết chậm gây chết hàng loạt, làm thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế cho người trồng tiêu.
Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai, một bộ phận nông dân trồng tiêu không chăm sóc đúng quy trình được các cơ quan chức năng hướng dẫn. Khi tiêu được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau (đất trồng tiêu cũ, phá bỏ cây trồng khác sang trồng tiêu), trồng bằng trụ bê tông, chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật … để cây sinh trưởng nhanh, tạo năng suất cao. Vườn cây ngày một xuống cấp do người dân thiếu kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chọn giống trồng...
Tuy nhiên, khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận.
Đáng chú ý, khi dịch bệnh đến, tại các diện tích hồ tiêu đã áp dụng các biện pháp phòng trừ đối với bệnh chết nhanh, chết chậm theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả chưa cao. Đã có diện tích hồ tiêu quá lớn được trồng ở những vùng đất không phù hợp như trồng tiêu trên những diện tích đất thấp, trũng dễ bị ngập úng trong mùa mưa và trồng tiêu trên những diện tích đất không chủ động được nguồn nước... Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển khi xảy ra thời tiết bất lợi.
Kể từ năm 2016, sâu bệnh hại chủ yếu trên cây hồ tiêu gồm bệnh vàng lá chết chậm do nấm Fusarium sp, bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora, bệnh thán thư, tuyến trùng rễ… Trong đó, bệnh vàng lá chết chậm, bệnh chết nhanh là bệnh hại chính trong mùa mưa ở các vườn tiêu ẩm thấp, khó thoát nước.
Đã có lúc người dân chặt cà phê trồng tiêu, thì ở thời điểm hiện tại, theo ông An, tiếp tục có làn sóng phá bỏ tiêu để chuyển sang trồng cà phê và sau đó là cây ăn trái như sầu riêng, bơ, thanh long, đặc biệt là chanh dây (leo)…
Hiện Gia Lai đã quy hoạch diện tích chanh leo đến 2020 là 3.000 ha. Với đầu tư đơn giản, thu hoạch liên tục trong 3 năm sau 6 tháng gieo trồng, chanh leo đang rất thu hút sự quan tâm của người dân và ở thời điểm hiện tại, diện tích chanh leo đã là 2.100 ha.
Theo ông Vũ Ngọc An, ngay trên cây chanh leo hiện được người dân trồng xen canh trên rẫy cũng bắt đầu có hiện tượng bị bệnh nhưng dân vẫn đổ xô vào trồng vì đầu ra hiện nay ổn định lại được giá. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công nghệ, kỹ thuật thay vì trồng bằng kinh nghiệm như bài học cây tiêu.
Tuân thủ quy hoạch, áp dụng kỹ thuật đã được kiểm chứng được xem là yếu tố tiên quyết để giải những bài toán khó khăn trong sản xuất hồ tiêu chết, bệnh ở thời điểm hiện tại đồng thời tiến tới xây dựng ngành trồng trọt bền vững hướng tới tương lai xa.
Bài 3: Tìm biện pháp ổn định lâu dài