Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội (KTXH) vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế…
Đầu tàu kinh tế của cả nước
Theo quy hoạch, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ là khu vực phát triển năng động với cơ cấu kinh tế hiện đại, đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển bền vững của cả nước. Như vậy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ phải thực hiện tốt vai trò đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung cả nước trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, đi đầu hội nhập quốc tế; là trung tâm giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao, trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ hàng đầu. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ gắn kết với hành lang đô thị hóa của các vùng xung quanh để trở thành một trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy đạm Phú Mỹ (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí) tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 800.000 tấn đạm, 46 triệu bao bì, đạt doanh thu 8.700 tỷ đồng trong năm 2014. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Quy hoạch này cũng đề cập đến việc tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành (Đồng Nai), thành phố mới Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. |
Về phân bố khu vực phát triển, TP Hồ Chí Minh được xác định sẽ là trung tâm về tài chính, thương mại, dịch vụ, còn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển dịch vụ cảng, logistics, công nghiệp lọc hóa dầu và các loại công nghiệp phụ trợ. Tây Ninh và Bình Phước sẽ là khu vực được tập trung hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, khai thác lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Long An và Tiền Giang sẽ là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực và tham gia xuất khẩu lương thực.
Theo quy hoạch trên, về mục tiêu phát triển kinh tế khu vực phía Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016- 2020 khoảng 8,5 - 9%/năm, GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng trên 2.000 USD, đóng góp khoảng 50 - 60% thu ngân sách nhà nước thời kỳ 2011 - 2020. Về phát triển xã hội, đến năm 2020 ổn định dân số khoảng 21 - 22 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%, giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 34 - 35 vạn lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%...
Ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát triển kinh tế vùng theo mục tiêu và phương hướng quy hoạch đã đề ra, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cần huy động từ nay đến năm 2020 khoảng 6,54 triệu tỷ đồng (khoảng 311 tỉ USD), tương đương 1,82 lần giá trị GDP năm 2013. Trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm khoảng 30 - 31%, còn lại là nguồn kêu gọi từ doanh nghiệp, FDI.
Với số vốn trên, Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trọng tâm ưu tiên vốn sẽ tập trung vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Trong đó, trong lĩnh vực giao thông có các dự án trục cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường vành đai 3, 4 (TP Hồ Chí Minh), nâng cấp quốc lộ 1, 51, 22B thuộc đường Hồ Chí Minh. Hoàn thành giai đoạn 1 dự án sân bay quốc tế Long Thành, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, nâng cấp cảng hàng không Côn Sơn.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là khoản vốn khá lớn nên cần “siết” lại danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, tránh trường hợp đầu tư dàn trải, không hiệu quả.
Đồng tình quan điểm trên, ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, với số lượng dự án ưu tiên đầu tư theo quy hoạch liệt kê khá lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sàng lọc dự án nào có yếu tố chi phối đến sự phát triển của vùng. Theo ông Xuân, nên ưu tiên các dự án hạ tầng về giao thông bởi nếu việc đi lại không thuận lợi sẽ không thể phát huy lợi thế kinh tế của toàn vùng.
Bên cạnh đó, cần chú ý trong phát triển ngành công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi hình thành vành đai công nghiệp - đô thị của vùng, theo đó nên hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, chuyển dần các cơ sở công nghiệp sang khu vực còn dư địa phát triển như tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Tiền Giang.
Hải Yên