Chủ đề kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã ghi nhận hàng chục ý kiến nhiệt huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội hiến kế cho đất nước. Trong số nhiều "kế sách" được các đại biểu của nhân dân xướng tên trên nghị trường, một định hướng mới, lần đầu tiên được đề cập thẳng thắn và kiên quyết trên diễn đàn lập pháp là phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm lệ thuộc vào nền kinh tế phương Bắc để "biến họa thành may".
Cải thiện cán cân thương mại
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013. Việt Nam luôn xác định Trung Quốc là một đối tác quan trọng. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước đây Chính phủ cũng đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Gần đây nhất năm 2013, Việt Nam đã ký 3 hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại về gạo. "Chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, đương nhiên do quy mô tương đối lớn cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn", Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trên diễn đàn Quốc hội.
Cần chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc của nền kinh tế đối với Trung Quốc. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Kiến nghị mở rộng chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc của nền kinh tế đối với Trung Quốc, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.
Với một góc nhìn của nhà kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam. Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ nhiều nền kinh tế hùng mạnh khác các mặt hàng máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn; phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc; đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu "đầu vào" trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Đại biểu Lộc cũng hiến kế phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các Hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa "đầu ra" cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản của Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới. "Rất cần tìm ra những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc, bỏ tất cả vào chung một rổ như hiện nay", Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Khởi động tiến trình tự chủ kinh tế
Lần đầu tiên, nghị trường Quốc hội ghi nhận những đề xuất đầy tính thời sự và cũng rất logic của các đại biểu Quốc hội về một phương hướng mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là: Khởi động tiến trình tự chủ kinh tế mà trước tiên thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế với nước láng giềng phương Bắc.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) tha thiết đề nghị Quốc hội cần có kế sách để thoát khỏi sự lệ thuộc, nguy hiểm về kinh tế. Đại biểu đề nghị: ngay trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 phải có sự chuyển hướng này, kể cả việc phân bổ ngân sách và đầu tư. Nỗ lực thoát lệ thuộc về kinh tế không có nghĩa là bỏ qua các quan hệ hợp tác kinh tế tăng sẽ có lợi của cả hai bên mà ngược lại còn phải tăng cường hợp tác làm ăn trên những lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Nhưng trong hợp tác làm ăn đó ta phải điều chỉnh lại tư thế mình, chủ động bình đẳng chặt chẽ có luật pháp và nhất là phải đoàn kết hơn, có như thế mới mong thoát dần của sự lệ thuộc, vị đại biểu Bình Dương này lập luận.
Các đại biểu của nhân dân phân tích: Công việc quan trọng nhất bây giờ là phải gấp rút xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ. Trong phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp cần nhanh chóng tính đến lộ trình điều chỉnh thị trường tiêu thụ nông sản, vừa giúp người nông dân đỡ thua lỗ cơ cực vừa thoát dần khỏi sự lệ thuộc về thị trường.
Thắt lưng buộc bụng để bảo vệ chủ quyền
Buổi thảo luận kinh tế - xã hội trên diễn đàn Quốc hội vang vọng những lời kêu gọi thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm chi tiêu để "dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình cho quỷ dữ và không đẩy nhân dân vào chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh.
Sâu sắc và nhiệt huyết hơn cử tri và nhân dân cả nước còn được chứng kiến cả những lời kêu gọi của các đại biểu phát huy truyền thống quý báu theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức thi đua lao động sản xuất và công tác, toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. "Sự đoàn kết, thống nhất trong suy nghĩ, tình cảm, ý chí và hành động của các tầng lớp nhân dân là sức mạnh của lòng yêu nước, là nền tảng, chỗ dựa vững chắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững tin vượt qua khó khăn, thách thức như lời khẳng định của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên).
Quang Vũ