Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, hiện có trên 750.000 tấn phân bón urê còn tồn kho, phục vụ sản xuất đông xuân 2011 trên toàn quốc. Số lượng này đủ để ngăn chặn các cơn sốt giá.
Thậm chí, các doanh nghiệp (DN) hiện không nhập khẩu phân bón về Việt Nam do lượng phân bón cung ứng cho vụ đông xuân ở cả miền Nam và miền Bắc đã đủ. Giá bán đạm urê tại thị trường trong nước (cả đạm sản xuất trong nước và đạm nhập khẩu) đã ở mức 8.000 đồng/kg - bằng mức giá thế giới.
Về phía DN sản xuất phân đạm, đại diện Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (đạm Phú Mỹ - DPM) cho biết: Để đảm bảo bình ổn thị trường phía Bắc khi sắp bước vào cao điểm vụ đông xuân, bên cạnh việc duy trì lượng phân đạm tồn kho ở mức quy định 70.000 tấn, DPM đang ưu tiên vận chuyển hơn 28.000 tấn đạm ra thị trường phía Bắc.
Bốc xếp phân đạm ở Nhà máy đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí. Ảnh: Hà Thái - TTXVN |
Hiệp hội Phân bón nhận định, vụ đông xuân này cả nước cần 700.000 - 800.000 tấn phân các loại, trong khi các nhà máy trong nước đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Dự kiến, vụ đông xuân 2010 - 2011, cả nước cần phải nhập khẩu 150.000 - 200.000 tấn urê, 100.000 tấn DAP, 150.000 tấn kali, 150.000 tấn SA…
Tạm dừng xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, thị trường phân bón lớn là Trung Quốc đã tăng thuế xuất khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước và phục vụ vụ mùa tới của quốc gia này. Hiện tại nhiều nước trên thế giới đang vào vụ sản xuất chính cây vụ đông, nhu cầu sử dụng phân bón tăng, trong khi đó nhiều nhà máy sản xuất phân bón nghỉ để bảo dưỡng khiến nguồn cung thiếu so với cầu. Bên cạnh đó, biến động giao dịch trên thị trường thế giới đã đẩy giá hầu hết các loại phân bón tăng mạnh.
Để bảo đảm phục vụ sản xuất và bình ổn giá phân bón, Hiệp hội Phân bón đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các DN sản xuất phân bón trong nước tăng hết công suất và tạm dừng xuất khẩu, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo nguồn ưu tiên ngoại tệ và tỷ giá đô la để DN tăng vốn nhập khẩu phân bón.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu phân bón, trừ phân bón NPK, supe lân và phân bón hữu cơ, đồng thời giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các DN sản xuất phân bón trong nước thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Hóa chất đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn phân bón phục vụ sản xuất.
Theo các DN sản xuất phân bón, để tránh những cơn sốt giá phân bón, không có cách nào khác là phải tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, giúp đỡ các đơn vị sản xuất phân bón trong nước nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh như: Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi vào các tháng không phải mùa vụ, giúp DN chủ động dự trữ nguyên liệu, duy trì sản xuất liên tục; tỷ giá ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phân bón nên có mức riêng phù hợp; điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón như lưu huỳnh, đạm SA, kali, xăng dầu... Có như vậy, thị trường phân bón trong nước mới ít bị tác động của thị trường thế giới.
Còn theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), để thị trường phân bón trong nước ổn định, không có sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường gây hiện tượng đầu cơ, tăng giá, Việt Nam phải hình thành hệ thống sản xuất phân bón với công nghệ hiện đại, quy mô lớn và hệ thống phân phối an toàn, hiệu quả nhằm cung ứng phân bón đủ về số lượng và chủng loại với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Thu Hường (tổng hợp)