Trước thông tin Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 500 tỷ đồng, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chiều 3/4, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, Vinalines đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ của Cảng Quy Nhơn. Đồng thời, Tổng công ty cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước đề nghị không chấp thuận việc tăng vốn này của Cảng Quy Nhơn.
“Sở dĩ, Vinalines có văn bản trên là vì việc tăng vốn điều lệ sẽ gây khó khăn thêm cho quá trình chuyển giao 75,01% vốn nhà nước đã bán trước đó của Cảng Quy Nhơn về Vinalines”, đại diện lãnh đạo Vinalines cho hay.
Đại diện lãnh đạo Vinalines khẳng định, "tiến trình thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn bán trái luật cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành) mà Kết luận số 1566/2018 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra đang gặp khó khăn. Về vấn đề này, Tổng công ty đã tổ chức 13 cuộc họp và Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức họp 4 cuộc trực tiếp với Công ty Hợp Thành nhưng đến nay chưa có kết quả khả quan”.
“Nguyên nhân hai bên chưa đạt được kết quả là do phía Công ty Hợp Thành đưa ra những đòi hỏi không có căn cứ. Cụ thể như, Công ty Hợp Thành đòi hỏi mức đền bù khi trả lại Cảng Quy Nhơn cho Vinalines là quá cao, không hợp lý và hợp pháp. Đại diện Công ty Hợp Thành cũng không có thái độ hợp tác khi thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ”, đại diện lãnh đạo Vinalines thông tin.
Hiện tại, trên trang điện tử của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã chứng khoán: QNP) phát đi thư mời Đại hội Cổ đông thường niên năm 2019 và nội dung các tờ trình được đưa ra lấy biểu quyết cổ đông.
Trong đó, đáng chú ý là 2 tờ trình đưa ra biểu quyết Đại hội Cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 10/4/2019, các tờ trình này nếu được thông qua sẽ làm thay đổi hiện trạng Cảng Quy Nhơn.
Cụ thể, 1 tờ trình về việc tăng vốn điều lệ Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn từ 404,09 tỷ đồng, lên 538,79 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2019. Hình thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.
Tờ trình còn lại là về việc thực hiện đầu tư mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được phê duyệt, cũng thực hiện trong năm 2019. Số tiền đầu tư mở rộng cảng được lấy từ phần tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cũng trình Đại hội Cổ đông thông qua về việc niêm yết cổ phiếu cảng Quy Nhơn (QNP) trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), thời gian thực hiện trong năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu kế hoạch tăng vốn và đầu tư mở rộng Cảng Quy Nhơn được Đại hội Cổ đông thông qua, chắc chắn việc Vinalines đàm phán với nhà đầu tư (Công ty Hợp Thành) để thu hồi 75,01% cổ phần nhà nước tại cảng này sẽ không còn dễ dàng.
Trước đó, tại cuộc họp báo Quý I/2019 của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã giao Vinalines làm việc với nhà đầu tư - Công ty Hợp Thành về thu hồi cổ phần nhà nước đã bán tại Cảng Quy Nhơn. Hai bên đã làm việc nhiều lần và cơ bản thống nhất ký biên bản nhà đầu tư sẽ trả lại nhà nước 75,01% cổ phần đã mua. Việc xử lý thanh toán trên cơ sở tính toán chi phí đảm bảo lợi ích giữa các bên theo pháp luật.
Cũng theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu Cảng Quy Nhơn không có quyết định bổ nhiệm nhân sự trong quá trình chuyển giao, tuy nhiên, trong Đại hội cổ đông sắp tới, nhà đầu tư cảng hiện vẫn đưa ra tờ trình về việc thay đổi, bổ nhiệm lãnh đạo.
Trao đổi với phóng viên về động thái xin tăng vốn điều lệ của Cảng Quy Nhơn, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông của Cảng Quy Nhơn phải đảm bảo đúng quy định của kết luận thanh tra. Đặc biệt, việc tăng vốn khi thanh tra đã kết luận chuyển giao nguyên trạng là không thể thực hiện.
Trước đó, ngày 17/9/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải ban hành hai văn bản cho Công ty Hợp Thành thỏa thuận trực tiếp khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm các văn bản pháp luật.
Vì vậy, hai văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; hơn 75% cổ phần của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tổ chức thực hiện đánh giá toàn diện hoạt động thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá. Thực hiện công khai những trường hợp vi phạm; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước…