Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) vừa công bố, doanh thu thuần đạt 4.171 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong doanh thu thuần, chiếm gần 93%, ở mức 3.861 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 310 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đạt 19,7 tỷ đồng, song chi phí tài chính đã lên 48 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần doanh thu. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng khá cao, ở mức 304 tỷ đồng, gần bằng với lợi nhuận gộp. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 trong kỳ vẫn âm hơn 21 tỷ đồng.
Tuy vậy, nhờ phần lợi nhuận khác (không ghi cụ thể) lên tới 38 tỷ đồng mà lợi nhuận sau thuế của Vinafood 2 mới dương 13,7 tỷ đồng trong quý III/2019. Đây có lẽ là kỳ duy nhất Vinafood 2 có lợi nhuận dương trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Vinafood 2 vẫn âm 59 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vinafood 2, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ là do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 luôn trong tình trạng trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm. Trong khi đó, nhu cầu mua rất yếu, giá chào mua lại rất thấp so với giá thành sản xuất khiến sản lượng gạo bán ra ít, lợi nhuận tạo ra không đủ bù đắp chi phí cố định.
Đáng chú ý, từ nhiều năm gần đây, Vinafood 2 chỉ ghi nhận lỗ trong hoạt động kinh doanh. Lỗ lũy kế của Vinafood 2 đã lên đến 2.042 tỷ đồng, tăng 78 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.274 tỷ đồng trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vinafood 2 theo đó cũng giảm đáng kể, chỉ còn 8.322 tỷ đồng, so với mức 8.892 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2019.
Tính đến ngày 30/9/2019, nợ xấu của doanh nghiệp này là 1.303 tỷ đồng, Vinafood 2 phải trích lập dự phòng hơn 1.277 tỷ đồng; trong đó có khoản nợ xấu lớn nhất là dự phòng toàn bộ 662 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho gạo (83.314 tấn gạo) bị thiếu chờ xử lý theo báo cáo kết quả kiểm kê đột xuất tại Công ty lương thực Trà Vinh vào ngày 22/11/2017.
Vinafood 2 cũng phải trích lập dự phòng 155 tỷ đồng đối với khoản cho vay khó có khả năng thu hồi ở Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang; 140 tỷ đồng dự phòng đối với khoản cho vay ở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại dịch vụ Võ Thị Thu Hà… Đây là những doanh nghiệp đều có sai phạm lớn trong quá trình hoạt động kinh doanh đều đã bị cơ quan điều tra truy tố.
Vinafood 2 là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV chính thức sang hình thức công ty cổ phần từ ngày 9/10/2018, với 2 cổ đông chính là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T giữ 25%. Tuy nhiên, sau một năm chuyển đổi hình thức hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty này vẫn chưa được cải thiện.
Đến thời điểm hiện tại, Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Vinafood 2 vẫn chưa được tổ chức, doanh nghiệp này đã có thông báo hoãn họp đến 3 lần. Trong lần dự kiến họp gần đây nhất (ngày 15/10), Vinafood 2 thông báo hoãn họp với lý do hoàn thiện toàn bộ các nội dung liên quan đến Đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định.
Mã cổ phiếu VSF của Vinafood 2 trên sàn UPCoM liên tục sụt giảm giá trị. Trong lần đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2018, VSF được định giá cao nhất là 12.000 đồng và mức giá trúng bình quân là 10.201 đồng.
Tuy nhiên, giá trị mã cổ phiếu VSF liên tục có xu hướng giảm, có thời điểm xuống mức 5.900 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm niêm yết, giá cổ phiếu đã giảm gần 32% giá trị. Hiện mã VSF đang được giao dịch với mức giá dao động từ 6.500-7.000 đồng/cổ phiếu..