Việt Nam tiên phong chuyển đổi số - Bài 1: Khát vọng chuyển đổi số 

Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là hành trình đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia.

Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số đã có nhiều thay đổi. Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 3 bài viết về chủ đề "Việt Nam tiên phong chuyển đổi số" nhằm làm rõ những góc nhìn, các phân tích, đánh giá về chuyển đổi số của nước ta trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 ngày 14/12. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Bài 1: Khát vọng chuyển đổi số 

Năm 2020, Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ phê duyệt. Năm 2021 được nhận định là thời điểm "vàng" cho chuyển đổi số. Tất cả các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần phải hành động ngay để khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam sớm thành hiện thực.

Phát triển 3 trụ cột

Ngày 3/6/2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Theo đó, chuyển đổi số quốc gia được thực hiện trên thế "kiềng 3 chân" là Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số. Việc xây dựng Chính phủ điện tử được nhận định tạo điều kiện kiên quyết để xây dựng thành công Chính phủ số tại Việt Nam.

Thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tập trung chỉ đạo sát sao với 2 mảng chính là cải cách thủ tục hành chính và trục liên thông văn bản quốc gia. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm khoảng 14.900 tỷ đồng/năm. 

Với nỗ lực tổng thể nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, năm 2020, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020, từ vị trí 99 lên vị trí 86; được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao, thậm chí cao hơn chỉ số trung bình thế giới.

Thời gian qua kinh tế số của Việt Nam có bước phát triển ấn tượng. Theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019”, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.  Kinh tế số, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình những năm qua từ 25- 30%/năm.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì đây lại là thành công lớn của Việt Nam trong việc hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với sự thay đổi đột biến khi chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn của các doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số thì phát triển kinh tế số là một trong những yếu tố then chốt. Trong kinh tế số, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hướng tới môi trường số, đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp số phát triển đóng góp cho kinh tế số và ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động của các doanh nghiệp truyền thống. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở định hướng phát triển Chính phủ số, nền tảng của kinh tế số, xã hội số trở thành yếu tố tất yếu đối với mọi người dân, hoạt động xã hội. Ở phạm vi rộng, xã hội số bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội. Ở phạm vi hẹp hơn, xã hội số gồm công dân số và văn hóa số. Xã hội số để cải thiện chất lượng sống của người dân một cách cơ bản, hướng đến chuyển đổi số quốc gia.

Tận dụng thời cơ

Chú thích ảnh

Chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam đã đưa ra nhận định: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian mới để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chuyển đổi số cần sự đóng góp rất lớn của cộng đồng làm công nghệ thông tin tại Việt Nam - đội ngũ "cần tiên phong, giữ đội hình, nắm tay nhau bước thật đều, thật nhanh để đưa Việt Nam phát triển vượt bậc”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Nhận sứ mệnh quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Ngành thông tin và truyền thông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, ở mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Để tiến hành chuyển đổi số ở quy mô quốc gia, trước tiên mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị. Các doanh nghiệp công nghệ lớn cần tập trung phát triển hạ tầng, nền tảng, tạo không gian để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Đây là cách để tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Để đánh giá các bước đi của quá trình chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương sử dụng bộ chỉ số này để tự đánh giá các bước đi trên tiến trình chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số chỉ thành công nếu có sự tham gia của toàn dân. Muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh, mạnh và rộng hơn nữa.

Bài 2: Nỗ lực làm chủ hạ tầng số 

Ngọc Bích (TTXVN)
Việt Nam tiên phong chuyển đổi số - Bài cuối: Câu chuyện của doanh nghiệp công nghệ số
Việt Nam tiên phong chuyển đổi số - Bài cuối: Câu chuyện của doanh nghiệp công nghệ số

Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà các doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng khi tạo ra những sản phẩm do người Việt Nam làm chủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN