Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, nơi cung cấp 56% sản lượng gạo, 70% sản lượng thuỷ sản, 64% sản lượng trái cây phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nút thắt cổ chai trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là đường sá, hạ tầng giao thông còn hạn chế. Khu vực này cũng phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất. Để ứng phó với các vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ như: Cơ giới hoá đồng bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp, giảm lao động chân tay; nâng cao năng suất, chất lượng nông, thuỷ sản; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào truy xuất nguồn gốc; xây dựng chuỗi logistics nông sản; triển khai đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững.
Theo ông Trần Thanh Nam, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nước và đất đai. Song, thời gian gần đây tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra với tần suất ngày càng cao. Bằng kinh nghiệm, người dân khu vực này đã đắp đê, be bờ ngăn mặn, tích trữ nước mưa trong các ao hồ, kênh rạch và phát triển các mô hình sinh kế mới như nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, chuyển đổi giống cây trồng chịu hạn, mặn để thích ứng với thực tế.
Trong quy hoạch chiến lược phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 xác định chuyển đổi nông nghiệp xanh, thuận thiên; tăng cường kết nối giao thông, logistics với Tp. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần nguồn lực lớn về khoa học, công nghệ, tài chính… Do đó, sự quan tâm hợp tác, đầu tư từ quốc tế; trong đó có Hà Lan là vô cùng quan trọng và ý nghĩa.
Ông Mark Harbers, Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan nhận định, Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có nhiều cơ hội xen lẫn thách thức trong phát triển nông nghiệp. Hà Lan là quốc gia nhỏ, có chung đặc điểm là đồng bằng châu thổ với các dòng sông chảy qua, tương tự như Đồng bằng sông Cửu Long và cũng phải đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gánh nặng đô thị hoá, công nghiệp hoá. Tuy nhiên, đặc điểm tự nhiên đó cũng chính là cơ hội để Hà Lan phát triển hạ tầng cảng biển. Với kinh nghiệm hàng trăm năm trong việc trị thuỷ, xây dựng hệ thống cảng biển, mở rộng giao thương đường hàng hải, Hà Lan sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với Việt Nam trong việc quy hoạch phát triển khu vực đồng bằng; các giải pháp hài hoà lợi ích kinh tế, tôn trọng quy luật thuận thiên.
Bà Christianne Van Der Wal, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan chia sẻ, Chương trình phát triển nông nghiệp ở các vùng đặc thù như Đồng bằng sông Cửu Long cần sự tham gia của các bên. Việt Nam – Hà Lan có nhiều điểm tương đồng và đang đi cùng hướng với nhau thông qua việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần có các giống cây trồng thích nghi độ mặn cao, tăng cường đa dạng sinh học. Việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp cần được thay thế bằng thiên địch nhằm đảm bảo chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn của Việt Nam tại châu Âu. Hà Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam để phát huy lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), hướng tới thương mại và đầu tư xanh, bao trùm cũng như thực thi các quy định của EU áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu sang các nước EU.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc của đoàn doanh nghiệp Hà Lan đến Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, tổ chức của Hà Lan và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết 18 biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ nuôi trồng thuỷ sản, trồng lúa bền vững đến công nghệ xử lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.