Tuy nhiên, hoạt động của các cấp Hội nông dân thành phố vẫn còn hạn chế, bất cập. Phong trào của các cấp hội phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân ở một số nơi còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao, thiếu mô hình mới, phù hợp giai đoạn hiện nay để thu hút nông dân vào Hội.
Thành ủy Hà Nội vừa lên kế hoạch, chương trình hành động thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội nông dân các cấp. Trong đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng Hội vững mạnh toàn diện; làm tốt vai trò đại diện động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ; là chủ thể là trung tâm phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân…
Mục tiêu hàng năm phấn đấu kết nạp từ 9.000 hội viên nông dân mới trở lên. 100% cán bộ Hội Nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 10.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 1.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.
Mỗi cơ sở Hội thành lập mới ít nhất 1 tổ hội nông dân nghề nghiệp; mỗi huyện, thị hội thành lập mới ít nhất 2 chi hội nông dân nghề nghiệp (cấp huyện hoặc cấp cơ sở); hỗ trợ ít nhất 10% - 15% chi hội nông dân nghề nghiệp và tổ hội nông dân nghề nghiệp phát triển thành thành hợp tác xã và tổ hợp tác trong nông nghiệp từ đến năm 2030.
Thành phố vận động từ 57.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 145 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, 7 hợp tác xã nông nghiệp. 65% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 60% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; 2.500 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thành ủy Hà Nội đặt ra nhiều nhiệm vụ giải pháp, trong đó đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, nông nghiệp xanh hữu cơ, tuần hoàn, bảo vệ mội trường sinh thái...
Hội Nông dân các cấp cần gắn kết với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và thành phố trong việc tuyên truyền các mô hình hay, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh các kênh thông tin định hướng trên mạng xã hội, Fanpage, nhóm Zalo kết nối giữa các cấp Hội với hội viên, nông dân, định hướng cho hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh, đời sống, nhất là các cam kết quốc tế, sự thay đổi chính sách của các thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Hội phát huy hiệu quả, nhân rộng các mô hình “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, “Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông”, Câu lạc bộ “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” và hoạt động “Nhà nông sáng tạo”, “Nhà nông đua tài”... để thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành ủy chỉ đạo các cấp phối hợp, giúp đỡ các cấp hội nông dân thiết thực, đi vào đời sống các hội viên, tạo sự hứng thú tham gia. Thành phố tạo điều kiện để phát huy lợi thế các làng nghề của Thủ đô, tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, gắn doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên kết với nông dân xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Thành phố xây dựng và thực hiện Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị ở trong và ngoài nước”; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình “Tri thức hóa nông dân”, xây dựng người “Nông dân chuyên nghiệp”. Đồng thời, vận động, khuyến khích các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc tham gia truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.