Việt Nam chuyển đổi nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Công bố Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” tại Hà Nội ngày 27/9.

Quang cảnh lễ công bố. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, ngành nông nghiệp tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo một cái giá phải trả về môi trường. Đã đến lúc không thể “làm theo cách cũ” được nữa, tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo dấu ấn môi trường nghiệm trọng.

Vì thế ngành nông nghiệp cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân được tốt hơn.

Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2016 phân tích những cơ hội và thách thức trong ngành nông nghiệp cho thấy, ngành nông nghiệp và hệ thống lương thực nói chung của Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt. Tuy đã gặt hái được nhiều thành công và đứng trước vận hội lớn cả trong và ngoài nước, nhưng ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về dân số, kinh tế và môi trường.

Theo Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016, để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao giá trị. Báo cáo cũng đưa ra một lịch trình ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường thể chế công và thể chế thị trường cần có để hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng về phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực nói chung.

Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016 ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu đen, cao su và sắn.

Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016 cũng chỉ ra rằng, chất lượng tăng trưởng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số hiện tượng như tỉ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, tỷ lệ thiếu việc làm còn cao trong lao động nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp, trình độ sáng tạo công nghệ và thể chế còn non yếu. Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên tăng vụ và tăng sử dụng vật tư đầu vào (phân bón) và tài nguyên thiên nhiên (nước).

Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016 đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm giải quyết các thách thức như: Chính phủ có thể kết hợp một số biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nước, tăng cường các biện pháp ưu đãi, hợp lý hóa cung cấp dịch vụ, qua đó khuyến khích và theo dõi phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao hiệu quả hệ thống an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. Nhà nước cũng nên xem xét áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn và kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nông nghiệp...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Nền kinh tế Việt Nam vận hành tốt dù thách thức gia tăng
Nền kinh tế Việt Nam vận hành tốt dù thách thức gia tăng

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vận hành tốt, nhưng đang bị cản trở bởi một số thách thức, do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong nửa đầu năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN