Điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng 8,3% giai đoạn 2021-2030, sau đó giảm xuống mức 3,5%/năm giai đoạn 2031-2045.
Giai đoạn tới, sẽ giảm dần nhiệt điện than, tăng nhiệt điện khí và ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với từng vùng, miền, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo kịch bản được Viện Năng lượng – Bộ Công Thương đưa ra, quy hoạch điện VIII sẽ đáp ứng mục tiêu năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp điện và có chi phí thấp.
Theo đó, cơ cấu nguồn tới năm 2030, nhiệt điện than sẽ chỉ còn chiếm 28% và giảm xuống 18% vào năm 2045. Trong khi đó, nhiệt điện khí sẽ đạt 19% vào 2030 và 24% vào năm 2045.
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đều sẽ tăng mạnh, lần lượt chiếm 22% và 20% vào năm 2045.
Ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng cho hay, tình hình xây dựng nguồn điện đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch, song cơ cấu xây dựng lại khác biệt, các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% trong khi các nguồn năng lượng tái tạo lại vượt mức tới 205%.
Nhiều dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, dẫn đến nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn 2020-2025. Cơ cấu, nhu cầu sử dụng điện ở các ngành kinh tế, vùng miền có sự thay đổi, từ đó yêu cầu phải phân bổ, bố trí lại. Việc giải tỏa công suất ở một số khu vực, hiện tượng quá tải ở đường truyền tải quốc gia và một số địa phương.
Trong khi năng lượng sạch trở thành xu hướng mới của thế giới và Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió, đồng thời, việc phát triển các nguồn điện này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhiều địa phương đề xuất nhưng còn vướng mắc về mặt pháp lý, quy hoạch, và khả năng cân đối của toàn hệ thống.
“Trong Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng cũng sẽ đưa các nhóm giải pháp để gỡ vướng, thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng”, ông Trần Kỳ Phúc nói.
Ngoài các nguyên nhân trên, theo báo cáo từ Viện Năng lượng, hiện nay, sản lượng than hiện đạt 35 triệu tấn và tới giai đoạn 2036-2045 chỉ có thể duy trì 39,5 triệu tấn, đủ cung cấp cho 14 GW nhiệt điện than nội hiện có. Các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị vận hành như Thái Bình II, Hải Dương, Nam Định I, An Khánh II đều phải xem xét sử dụng than trộn. Năm 2019, Việt Nam đã phải nhập khẩu 5 triệu thấn than atraxit để bù than cho các nhà máy than nội.
Về khả năng cung cấp khí trong nước cho phát điện, khí cung cho sản xuất điện năm 2020 là 7,7 tỷ m3, năm 2025 là 14,6 tỷ m3 chủ yếu từ mỏ Cá Voi Xanh và lô B; năm 2030 là 9,2 tỷ m3; 2030-2045 là 7,7 tỷ m3/năm.
Theo Viện Năng lượng, khí lô B chỉ đủ cấp cho trung tâm điện lực Ô Môn (3.800 MW) khí của các mỏ nhỏ không đủ cấp cho nhiệt điện Kiên Giang. Khí Cá Voi Xanh chỉ đủ cấp cho 5 nhà máy đã quy hoạch (5x750 MW). Trong khi đó, mỏ khí Kèn Bầu hiện chưa có kết quả rõ ràng về thành phần khí và quy mô khai thác hàng năm.
Để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030, phía Bộ Công Thương cho hay.
Thêm vào đó, các nhà máy nhiệt điện than đốt than nhập khẩu sẽ phải đầu tư trên siêu tới hạn trở lên và trên siêu giới hạn cải tiến. Chi phí xây dựng cho loại hình nhà máy nhiệt điện than này từ 2.000 – 2.000 kUSD/MW, cao hơn nhiều so với đầu tư điện gió trên bờ, điện mặt trời quy mô lớn, điện mặt trời mái nhà...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, trong Quy hoạch điện VIII lần này, nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc. Nhiệt điện than được khai thác một cách hợp lý, tỷ trọng giảm dần; nguồn thủy điện được huy động tối đa; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.
Báo cáo của Viện Năng lượng cho hay, hiện nay các dự án nguồn điện ngoài EVN hầu hết đều chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn tới cân đối cung cầu và an ninh cung cấp điện (giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 15.500 MW/21650 MW, đạt gần 72%).
Một số dự án tuy đã có trong quy hoạch, nhưng lại gặp sự không đồng thuận của địa phương trong việc triển khai, như tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Long An, Bạc Liêu... Có địa phương không đồng tình thực hiện dự án nhiệt điện than, nhưng lại đề xuất bổ sung nhiệt điện khí, dẫn tới khó khăn trong triển khai thực hiện quy hoạch điện.
Ngoài ra, sự phát triển nóng của điện gió, điện mặt trời trong khi lưới điện chưa kịp xây dựng đồng bộ dẫn tới quá tải cục bộ lưới điện phân phối và truyền tải.
Về lưới điện, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng là khó khăn lớn nhất. Các khó khăn khác trong việc thỏa thuận vị trí trạm biến áp và tuyến đường dây truyền tải điện với chính quyền các địa phương; vướng mắc trong thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường dây đi qua nhiều tỉnh; chuyển đổi đất rừng...