Năm 2016, có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tháng 3/2017, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây, với 12.027 doanh nghiệp thành lập mới.
Tính cả quý 1/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 271.200 tỉ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với quý 1/2016.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN |
Doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể: Kinh doanh bất động sản có 924 doanh nghiệp, tăng 55,0%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga có 200 doanh nghiệp, tăng 32,5%; Giáo dục và đào tạo có 640 doanh nghiệp, tăng 28,0%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 269 doanh nghiệp, tăng 26,3%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 461 doanh nghiệp, tăng 16,4%;…
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhiều trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, nhưng tại sao tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2017 vẫn thấp (GDP quý I năm 2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ hai năm liên tiếp trước đó)?
Lý giải vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong số 110.000 doanh nghiệp thành lập mới của năm 2016, thì có 98.757 doanh nghiệp đi vào hoạt động, chiếm ỷ lệ 89,7%. Tuy nhiên, xét về cơ cấu doanh nghiệp thành lập mới ở các ngành thì thấy mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều nhiều nhưng đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể là đóng góp vào sản xuất hàng hóa chưa được như kỳ vọng.
Cụ thể, trong số 98.757 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động thì có tới 35,4% là hoạt động trong ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe máy ô tô trong khi ngành này không phải là ngành tạo ra sản phẩm vật chất. Chỉ có 13,72% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biền chế tạo, vì vậy việc tạo ra sản phẩm vật chất đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng chỉ có mức độ.
“Nếu chỉ nhìn vào số lượng doanh nghiệp thành lập mới mà kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế bùng hẳn lên thì không hẳn, mà chúng ta phải nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp mới thành lập, cũng như cơ cấu của doanh nghiệp ở các ngành kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cũng cho rằng, về chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp thành lập mới, theo số liệu của Tổng cục thống kê, nhìn chung hàng năm tốc độ tăng trưởng đều tăng.
“Tuy nhiên, tốc độ tăng chủ yếu là về số lượng doanh nghiệp, vốn đầu tư, lao động vào doanh nghiệp, nhưng quy mô doanh nghiệp vẫn là nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm tới trên 97%, nên dù tăng số lượng doanh nghiệp nhưng quy mô bình quân của doanh nghiệp (về lao động, về vốn, về giá trị tăng thêm) giảm dần”, ông Phạm Đình Thúy cho biết.
Cũng theo ông Thúy, trong số các doanh nghiệp thành lập mới thì doanh nghiệp khu vực FDI tăng nhanh cả số lượng, vốn đầu tư. Khối doanh nghiệp này sản xuất đạt hiệu quả cao hơn khối doanh nghiệp trong nước do có quy mô khá lớn, sản xuất kinh doanh hiệu quả, xuất khẩu tăng nhanh.
Tuy vậy, các doanh nghiệp FDI có hàm lượng sản phẩm tăng thêm thấp do chủ yếu là gia công lắp ráp, mà nguyên vật liệu phục vụ gia công lắp ráp này chủ yếu nhập ngoại, ít sử dụng hoặc tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu trong nước thấp.
Xu hướng kinh doanh của quý 1 cũng cho thấy, một trong những lý do nền kinh tế tăng trưởng thấp là do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nội địa gặp vẫn thấp. Hiện, các doanh nghiệp trong nước có các sản phẩm với mẫu mã, chất lượng thấp, ít sản phẩm có thương hiệu mang tính toàn cầu. Trong khi đó, thời kỳ hội nhập, tỷ lệ các hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là các sản phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Vì vậy nhiều doanh nghiệp Việt Nam với những sản phẩm cùng loại lại đang thua trên chính sân nhà.