Về nơi cây mía được mùa

Mía được giá, năng suất cao, nông dân Bình Định đang phấn khởi mở rộng diện tích. Để lợi ích của người trồng mía được bền vững, bên cạnh việc nhà nông cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc, điều quan trọng là Nhà nước và nhà doanh nghiệp cần cam kết đảm bảo lợi ích cho họ.

Mỗi héc ta mía lãi 60 triệu đồng

Về đất mía Bình Định những ngày tháng 5 này có thể bắt gặp rải rác dọc tuyến đường từ đèo An Khê, con đèo vắt ngang những ngọn núi phân giới hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, hay trên dọc các tuyến đường huyện Tây Sơn, những chiếc xe tải chở đầy mía từ vùng nguyên liệu về các nhà máy đường.

Mỗi ha mía, gia đình ông Hồ Văn Chương lãi chừng 60 triệu đồng.


Việc thu hoạch mía niên vụ 2009 - 2010 đang đi vào những ngày cuối. Nhiều gia đình đã thu hoạch xong xuôi, đang cần mẫn làm đất, chuẩn bị cho vụ mía mới. Hộ ông Hồ Văn Chương, vùng mía Hầm Thang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, rất phấn khởi vì thêm một năm mía được giá. Quệt mồ hôi trên gương mặt đen giòn rắn rỏi, người nông dân này vui vẻ kể: “Nhà tôi trồng toàn giống mía R579 chịu hạn tốt. Trừ mọi chi phí đầu tư, mỗi tấn mía, bán được 100 triệu đồng, lãi hơn so với vụ trước từ 20 - 30 triệu đồng/tấn”. Niên vụ 2009 - 2010, gia đình ông Chương thu hoạch được 300 tấn mía. Về năng suất, anh Nguyễn Văn Chi, Trạm trưởng Trạm quản lý thu mua và phát triển nguyên liệu số 1 ở xã Tây Giang cho biết: “Năng suất năm ngoái cỡ 42 - 43 tấn/ha. Năm nay tầm 48 - 50 tấn/ha. So với năm ngoái, thu nhập của bà con tăng từ 20 - 30%”.

Năng suất cao, sản lượng tăng, mía được giá nên người nông dân xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) rất phấn khởi. Ông Lê Đình Cương, một nông dân xã này cho biết: “Nhà tôi chỉ có 1,2 ha cũng thu hoạch được trên 80 tấn mía, lãi chừng 40 triệu đồng”.

Mía được giá, nông dân Bình Định phấn khởi mở rộng diện tích. Khi chúng tôi tạm biệt lão nông Hồ Văn Chương, trong cái nắng như đổ lửa trưa tháng 5, ông và người nhà vẫn miệt mài trên rẫy. Gia đình ông đang khai khẩn thêm 2 ha đất mới cho vụ mía mới, nâng tổng diện tích trồng mía của nhà lên 10 ha. Theo anh Nguyễn Văn Chi, cách đây 1 năm, ở Hầm Thang chỉ khoảng tầm 25 ha mía thôi. Nhưng hiện nay đã lên tới gần 60 ha. Còn ở xã Vĩnh Quang, cây mía hiện chiếm tới 90% diện tích các loại cây trồng khác. Theo ông Cương- dân gốc Vĩnh Quang - xưa, xã này là vùng mía trọng điểm của huyện nhưng nay, vùng trọng điểm đã được mở rộng sang nhiều xã rồi. “Ở đây, chỉ có trồng mía là nhanh giàu nhất chứ trồng lúa, mì không ăn thua!”, lão nông Lê Đình Cương vui vẻ nói.

Tỉnh Bình Định hiện có khoảng 3.000 ha mía, và theo quy hoạch, diện tích này đến năm 2020 là khoảng 6.000 ha.

Đảm bảo lợi ích cho nông dân

Cây mía năm nay được mùa hơn hẳn mọi năm, do thời tiết ủng hộ, thuận lợi hơn năm trước, nông dân đã tăng đầu tư cho cây mía, và điều không thể không nói đến là nhà máy đường, nơi tiêu thụ mía nguyên liệu đã sát cánh cùng nhà nông.

Để người trồng mía yên tâm phát triển, theo ông Phạm Ngọc Liễn, Giám đốc Công ty cổ phần đường Bình Định, yếu tố cốt lõi là: “Giải quyết hài hòa lợi ích của công ty với lợi ích của người nông dân thông qua chính sách”.

Về hỗ trợ nông dân ở khâu trồng và chăm sóc, ông Nguyễn Phùng Thủy, Trưởng phòng nguyên liệu mía của nhà máy cho biết: “Dân cần giống thì hỗ trợ giống. Họ cần vốn, sẽ đáp ứng kịp thời. Cán bộ của chúng tôi thường xuyên ra đồng thăm mía. Vùng nào có nước mà dân chưa tưới thì nhắc nhở động viên họ tưới. Vùng nào có biểu hiện sâu bệnh, vận động họ trừ sâu kịp thời”. Bên cạnh đó, “nhà máy thường xuyên hỗ trợ nông dân về kỹ thuật: Định kỳ, theo vùng, tổ chức tập huấn phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con”, ông Thủy nói.

Một điểm nổi bật khiến năm nay năng suất, sản lượng vượt hẳn vụ trước, là vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp. Theo ông Thủy, khi dân có nhu cầu làm đất nhiều, nhà máy có lực lượng máy cày công suất lớn đưa xuống hỗ trợ, giá tính bằng hoặc thấp hơn giá thị trường để tạo điều kiện thuận lợi cho dân trong khâu làm đất. Nhà máy đã làm như vậy khoảng 3 năm trở lại đây.

Ông Phạm Ngọc Liễn, Giám đốc công ty mía đường Bình Định:
“Dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa để tăng hiệu quả” Theo quy hoạch thì vùng mía nguyên liệu nước ta thời gian tới vẫn tiếp tục mở rộng nhưng theo tôi, cần phải quan tâm nhiều hơn đến yếu tố về kỹ thuật. Trong điều kiện các doanh nghiệp hiện nay, cần mạnh dạn thực hiện dồn điền đổi thửa để dễ áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, nhà máy có chính sách để tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cấp xã. Theo hợp đồng cam kết từ đầu vụ đến khi kết thúc vụ mía, cứ tính trên tổng sản lượng mía của cả xã bán được bao nhiêu, nhà máy trả 500 đồng/tấn. Đối với những xã bán được trên 10.000 tấn mía thì công ty có thưởng, hỗ trợ 10.000 đồng/tấn. Trên 20.000 tấn mía thì hỗ trợ 20.000 đồng/tấn cho xã. “Cứ thế nhân lên, trả cho xã để xã trả cho các cán bộ khuyến nông, các cán bộ trực tiếp cùng nhà máy vận động người dân trồng mía”, ông Thủy cho biết.

Tính toán của nhà doanh nghiệp thì phức tạp thế, nhưng lối nghĩ nhà nông đơn giản hơn. Lão nông Hồ Văn Chương đúc kết, có 3 yêu cầu lớn nhất để trồng mía hiệu quả, cũng là nguyện vọng của người trồng mía nói chung. Ông nói: “Thứ nhất, phải luôn luôn thay đổi giống mía, để kháng được sâu bệnh. Năm nay đang trồng giống K88-92 nhưng 3 - 4 năm sau, giống đó có hiện tượng thoái hóa thì chuyển giống khác thay thế. Thứ hai, vấn đề đầu tư của nhà máy phải kịp thời. Thứ ba là về giá, phải thu mua hợp lý, đảm bảo người trồng mía có lãi". “Nói thật, người làm nông ấy mà, cứ thấy cây trồng cây nào có lãi là xông lên liền. Cứ có được mấy điều đó là chúng tôi yên tâm. Phải nói là mấy năm gần đây, nông dân lại thích trồng mía”, ông Chương tâm sự.

Rời vùng mía Bình Định, lây niềm vui của những nông dân được mùa, được giá chúng tôi vẫn nhớ mãi tâm tư này. Mong sao Nhà nước và doanh nghiệp luôn thấu hiểu nhà nông để những vụ mía sau là sự tiếp nối những niềm vui được mùa.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN