Theo số liệu của Tổng cục Thống kê- TCTK (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố ngày 23/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4/2012 đã tiếp tục giảm tốc mạnh khi chỉ tăng 0,05% so với tháng 3/2012. Có ý kiến lo ngại: Trong tình hình kinh tế hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn, sức tiêu dùng giảm sút mạnh khiến tổng cầu vẫn chưa được cải thiện nên CPI giảm sâu liệu có phải là nguy cơ giảm phát.
Trước vấn đề này, ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng TCTK nhận định: Chưa xảy ra nguy cơ giảm phát bởi CPI vẫn tăng nhưng tốc độ chậm, xu hướng CPI vẫn biến động, nhất là sau khi có quyết định về việc tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/5.
Tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây
Với CPI cả nước tháng 4/2012 đã tiếp tục giảm tốc mạnh mẽ khi chỉ tăng 0,05% so với tháng 3/2012, đại diện TCTK cho rằng: Đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các tháng trong năm kể từ tháng 4/2009 tới nay và thấp nhất so với các tháng 4 trong vòng 8 năm lại đây.
CPI tháng 4 chỉ tăng ở 8/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,2- 2,67%, trong đó tăng thấp nhất là nhóm đồ uống, thuốc lá; tăng cao nhất là nhóm giao thông. Ba nhóm giảm giá gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; bưu chính viễn thông.
Mua sắm tại trung tâm thương mại và siêu thị Satra Phạm Hùng (quận 8, TP.HCM). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Bộ Tài chính tính toán: Mức tăng giá xăng 900 đồng/lít vừa qua sẽ làm tăng CPI cả năm 0,364%, trong trường hợp giữ mức giá này đến hết năm. Cụ thể, vòng 1 trực tiếp 0,104%; vòng 2: tác động đến các ngành sử dụng xăng dầu 0,26%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Trong quá khứ có nhiều ví dụ cho thấy điều chỉnh mạnh giá xăng dầu đã làm đột biến CPI: Tháng 7/2008, xăng tăng giá 4.500 đồng mỗi lít, CPI năm đó lên tới gần 23%. Tháng 2/2011, xăng tăng 2.900 đồng thì lạm phát cả năm cũng hơn 18%. Chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, xăng dầu điều chỉnh tới 2 lần, tăng gần 14% thì chắc chắn CPI tháng 5 sẽ rất đáng ngại. |
Theo ông Đỗ Thức, nguyên nhân CPI biến động là hiệu ứng từ đợt tăng giá xăng dầu từ ngày 7/3; nhóm giáo dục tăng do một số tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế điều chỉnh mức học phí. Trong đó, Thanh Hóa tăng giá học phí trung học cơ sở gần 2,9 lần, Thừa Thiên - Huế tăng gần gấp 4 lần. Ông Thức cho rằng: Ngoài yếu tố tăng giá thì có nhiều yếu tố góp phần làm CPI tăng chậm là do nhóm lương thực - thực phẩm đều giảm mạnh (chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 40% trong rổ hàng hóa chung). Tiếp đến là gas, sau quá trình tăng giá liên tục thì tháng 4/2012, giá gas đã giảm 4,41%.
Theo Vụ Thương mại, dịch vụ và giá cả (TCTK), cùng nhịp với lương thực, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tiếp tục giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể khi kinh tế khó khăn, cộng với nguồn cung dồi dào. Giá thực phẩm tươi sống giảm 2,9%, trong đó thịt lợn giảm 3,57%; thịt gà giảm 0,93%. Riêng tại thị trường phía Nam, giá thịt lợn còn giảm sâu do người dân lo sợ thịt lợn có chất tạo nạc gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bên cạnh đó, giá rau củ quả cũng giảm 1,49% do thời tiết thuận lợi giúp nguồn cung dồi dào.
Không hề ngạc nhiên về mức tăng thấp kỷ lục của lạm phát tháng 4/2012, chuyên gia kinh tế, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, nhóm lương thực - thực phẩm đều giảm mạnh nên chuyện CPI chỉ tăng 0,05% là hoàn toàn hợp lý. Con số CPI tháng 4 đang phản ánh đúng thực tế bức tranh kinh tế. Ông Ánh cho biết thêm: Nếu bình thường mọi năm xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo giá hàng hóa khác tăng, đẩy các hàng hóa khác đi lên, nhưng trong đợt tăng giá lần này, giá xăng dầu tăng không kéo giá các hàng hóa khác tăng, do tổng cầu sụt giảm, lượng hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp đang tìm cách tiêu thụ sản phẩm nên họ không thể tăng giá.
Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chỉ số giá đã chịu tác động rất lớn từ “vụ bê bối” chất tạo nạc trong thịt lợn, khiến mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa giảm giá mạnh. “CPI đã đi phi quy luật vì có hiện tượng bất bình thường. Khi cung cầu ổn định, chắc chắn chỉ số giá sẽ có những biến động khi giá xăng dầu tăng”, ông Doanh nhận định.
Kỳ vọng CPI cả năm vẫn ở mức 1 con số Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại, dịch vụ và giá cả (TCTK), đợt tăng giá xăng 900 đồng/lít từ ngày 20/4 vừa qua sẽ được tính vào tháng 5/2012. Theo đó, với mức tăng 10% so với giá cũ, giá xăng dầu tăng đã đóng góp vào mức tăng CPI chung gần 0,2%. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng lần hai vào ngày 20/4 sẽ khiến CPI tháng 5/2012 tăng thêm khoảng 0,36%; cộng với mức lương tối thiểu cũng tăng lên kể từ ngày 1/5, chắc chắn CPI tháng 5/2012 sẽ có mức tăng rõ rệt.
“Việc tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/5 sẽ khiến cho nhu cầu chi tiêu của người dân sẽ tăng. Khi có quan hệ cung cầu cũng là yếu tố làm tăng CPI trong thời gian tới”, ông Thức nói. Theo ông Thức, lương tăng sẽ khiến cho lượng tiền đưa vào lưu thông lớn hơn. Liên quan tới nhóm lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, đại diện TCTK cho rằng: Nếu quản lý tốt về chất lượng, tháng 5/2012, nhóm lương thực, thực phẩm sẽ không giảm sâu như tháng 3 và tháng 4/2012.
“Chúng tôi chưa tính việc tăng lương từ 1/5 sẽ có tác động như thế nào tới CPI cả năm nhưng vẫn kỳ vọng CPI sẽ giữ vững ở mức 1 con số, tức là dưới 10%”, đại diện TCTK bày tỏ.
Nhìn nhận về diễn biến lạm phát cả năm 2012, TS. Ánh nói : “Nếu tháng 3/2012 chưa biết lạm phát cả năm sẽ thế nào thì từ con số lạm phát tháng 4/2012 công bố hôm qua có thể khẳng định việc kiềm chế lạm phát cả năm trong một con số là điều hoàn toàn trong tầm tay”.
Minh Phương