Khách giao dịch vàng tại Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Phiên giao dịch ngày cuối tuần, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đóng cửa ở mức 36,9 – 37,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Tính chung cả tuần, thương hiệu vàng này đã tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đà tăng của giá vàng dường như thống lĩnh thị trường vàng suốt tuần này, cũng bởi thế mà thị trường chứng kiến lượng khách quay trở lại thị trường vàng sôi động hơn nhiều so với các tuần trước đó ở cả hai chiều mua bán.
Đỉnh điểm trong tuần không thể không nhắc tới phiên giao dịch hôm 6/7. Ngay từ đầu ngày, giá vàng tăng tốc một cách chóng mặt khi bật tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng lên mức 38 triệu đồng/lượng và phi nước đại vượt ngưỡng 39 triệu rồi tiến sát ngưỡng 40 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức tăng kỷ lục nhất từ cuối tháng 6/2013.
Tính riêng phiên giao dịch hôm 6/7 giá vàng quốc tế tăng 8 USD/ounce từ 1.366-1.375 USD/ounce, tương ứng 0,5%, thì giá vàng trong nước tăng gần 2 triệu đồng/ lượng tương ứng gần 5%. Điều này cho thấy tốc độ tăng phi mã ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý đẩy giá vàng lên cao.
Tuy nhiên nhà đầu tư chưa kịp định hình lại xu hướng thì lại chứng kiến giá vàng tuột dốc không phanh khi giảm khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau 1 đêm giao dịch ở phiên 7/7.
Động thái này diễn ra sau thông điệp của Ngân hàng Nhà nước phát đi vào tối 6/7. Nhà điều hành đã tuyên bố có đủ nguồn lực và sẵn sàng can thiệp nhằm bình ổn thị trường. Cũng sau tuyên bố này, giá vàng không còn biến động mạnh.
Trong khi đó, trên thị trường tiền tệ, giá đô la Mỹ trong tuần qua hầu như ít biến động. Giá USD tại Vietcombank đang được niêm yết ở mức 22.260 – 22.330 VND/USD (mua vào – bán ra), hầu như không đổi kể từ đầu tuần đến nay.
Giới chuyên gia cho rằng, Brexit hầu như không tác động đến thị trường ngoại hối tại Việt Nam ngoại trừ giá đồng bảng Anh xuống thấp. Theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), Brexit trực tiếp ảnh hưởng đến đồng bảng Anh.
Mặc dù bảng Anh cũng là 1 ngoại tệ mạnh trong rổ tiền tệ của IMF nhưng tác động của ngoại tệ này đối với Việt Nam là không đáng kể. Bởi lẽ người dân Việt Nam chủ yếu biết nhiều đến đồng đô la Mỹ và chính sách tỷ giá của Việt Nam cũng neo chính vào đô la Mỹ.