Vận tải giảm sâu, năm 2022 đường sắt vực dậy thế nào?

Năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khiến doanh thu chỉ đạt 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng, bằng 52,8% so với cùng kỳ…

Định hướng phát triển năm 2022

Trước diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu vận tải hành khách chưa thể phục hồi, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn và kịch bản lỗ của VNR chưa dừng lại, VNR đang triển khai hàng loạt giải pháp để giảm lỗ.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, dự kiến chỉ tiêu doanh thu thực hiện trong năm 2022 khoảng 1.568 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 580 tỷ đồng, giảm lỗ 110,7 tỷ đồng. Để thực hiện chỉ tiêu này, VNR đang tiếp tục đẩy mạnh công tác vận tải hàng hóa, xác định mục tiêu chuyển hướng vận tải hàng hóa là chủ đạo, từng bước hỗ trợ cho vận tải hành khách đảm bảo doanh thu và hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm…

Chú thích ảnh
Ngành Đường sắt cơ cấu lại vận tải hàng hóa để vực dậy doanh thu trong năm 2022.

Bên cạnh đó, VNR tập trung khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tích cực tham gia vào chuỗi logistics và rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các quy chế, quy định về giá cước vận tải để có cơ chế khuyến khích phát triển kinh doanh vận tải hàng hóa.

“Riêng kế hoạch đẩy mạnh hàng liên vận quốc tế, VNR sẽ xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng - Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh, Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu bằng đường sắt”, ông Vũ Anh Minh chia sẻ.

VNR kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản cuất kinh doanh. Trong đó, sớm đưa các hạng mục quan trọng như hệ thống kho bãi, nhà ga, hạ tầng… vào gói kích cầu phục hồi kinh tế của Chính phủ sau đại dịch COVID-19 trong giai đoạn 2022 - 2023 để khắc phục các nút thắt, điểm nghẽn vận tải, đảm bảo việc đầu tư được đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực và tăng hiệu quả của vận tải bằng đường sắt.

Ngoài ra, VNR đề xuất tiếp tục cho áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 cho các năm tiếp theo, giảm từ 8% xuống 4% như năm 2021; cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp cho VNR gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm…

Không đổi mới, khó vực dậy

Trong năm 2021, VNR đã và đang tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỷ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á; sản phẩm dịch vụ mới là đoàn tàu container Liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu đã góp phần cứu cánh VNR.

Chú thích ảnh
Tàu chuyên tuyến vận tải container hàng hóa là hướng đi mới của ngành Đường sắt.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hành khách, tuy nhiên vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi các nước là cơ hội lớn cho ngành đường sắt. Tuy nhiên, quy trình tổ chức vận tải hàng hóa qua đường sắt vẫn tiếp cận theo hướng cũ như hiện nay thì không phát triển được. Nên mô hình vận tải hàng hóa cần được VNR cơ cấu lại trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khi hoạt động trở lại bình thường.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nếu vận tải hàng hóa đường sắt vào cuộc tốt thì sẽ giải quyết được phần lớn tình trạng thua lỗ. Vì vậy, VNR trong năm 2022 cần đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh.

Tại buổi làm việc mới đây với VNR, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, hiện nay, hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do chưa được đầu tư tương xứng; để hiện đại hóa ngành đường sắt đòi hỏi về nguồn vốn lớn. Muốn vượt qua khó khăn thì cần sự hỗ trợ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hóa ngành đường sắt.

Để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, VNR phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn, nhất là đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để “biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển”; cần linh hoạt chuyển đổi, phát huy tối đa lợi thế về vận tải hàng hóa so với các phương thức vận tải khác.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành phải tập trung hơn nữa cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú ý bảo dưỡng và đầu tư mới, đầu tư đến đâu dứt điểm đến đó, thông qua cơ chế huy động nguồn lực xã hội là chủ yếu, đầu tư công mang tính dẫn dắt.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và VNR tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo tinh thần tại văn bản số 636/TTg-CN, tuyệt đối không để lặp lại những vướng mắc như trong vài năm qua, đảm bảo an toàn khai thác trên toàn hệ thống.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Xây dựng giải pháp thúc đẩy vận tải hàng hóa đường sắt qua biên giới
Xây dựng giải pháp thúc đẩy vận tải hàng hóa đường sắt qua biên giới

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì họp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vận tải hàng đường sắt, nhất là hàng qua biên giới phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN