Vẫn đau đầu với thuốc lá lậu

Thông tin tại cuộc họp giao ban ngành công thương về công tác quản lý thị trường (QLTT) 6 tháng cuối năm diễn ra hôm qua (1/7) tại Hà Nội cho thấy, thuốc lá lậu vẫn một trong những “vấn nạn” làm đau đầu lực lượng chức năng.

Theo thống kê, thuốc lá lậu làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, 6 tháng qua, lực lượng QLTT chỉ xử lý được 3.176 vụ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu với tổng số tiền xử phạt là 8,87 tỷ đồng.


Buôn lậu ngày càng tinh vi


Tình hình buôn lậu thuốc lá trong 6 tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tại các tỉnh biên giới Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang và tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... Các đối tượng buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu dùng những thủ đoạn tinh vi để vận chuyển vào các điểm tập kết và đưa đi tiêu thụ trong nội địa. “Tình trạng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu không chỉ ảnh hưởng đến thuốc lá sản xuất trong nước, trật tự an toàn xã hội mà còn ảnh hưởng đến việc làm của người lao động và gây thất thu thuế cho Nhà nước”, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định.

 

Đối tượng buôn lậu sử dụng ghe vận chuyển thuốc lá trên kênh Thầy Cai, Long An. Ảnh: Thanh Bình – TTXVN


Cũng tại buổi giao ban, các địa phương vốn là điểm nóng về tình trạng buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng cũng chia sẻ về sự phức tạp cũng như khó khăn của công tác chống buôn lậu thuốc lá. Là địa phương có đường biên giới gần 100 km giáp với Campuchia với nhiều đường ngang, lối tắt cả đường bộ lẫn đường sông, An Giang là một trong những điểm nóng về buôn lậu thuốc lá. Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, mặt hàng thuốc lá điếu ngoại là loại hàng gọn nhẹ, dễ cất giấu và lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng đã bất chấp thủ đoạn và sử dụng mọi phương tiện như vận chuyển bằng xuồng, ghe máy, thuê người vận chuyển nhỏ lẻ nhập lậu qua các đường mòn, kênh rạch. Sau đó, các đối tượng sử dụng xe gắn máy chạy với tốc độ cao thành từng đoàn theo tuyến quốc lộ 91 để vận chuyển thuốc lá vào sâu trong nội địa.


Tại tỉnh Long An, tình hình cũng diễn ra tương tự. Các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển vào ban đêm, các ngày nghỉ, giờ nghỉ của lực lượng chức năng. “Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu là sang Campuchia nhận hàng rồi mang, vác, cõng bộ hoặc dùng xe mô tô vận chuyển theo các đường ngang, ngõ tắt về Việt Nam và giao cho các đối tượng khác dùng xuồng máy, xe máy vận chuyển sâu vào nội địa.

Cục QLTT cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý hơn 7.700 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá hơn 118 tỷ đồng; xử lý gần 11.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; xử lý hơn 30.000 vụ vi phạm gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm.


Tại nơi tiêu thụ thuốc lá lậu lớn nhất cả nước là TP.HCM, 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT của thành phố đã phát hiện 851 vụ vận chuyển, buôn bán với hơn 333.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu, nhiều nhất là hiệu Jet và Hero. Thuốc lá nhập lậu từ Campuchia và thuốc lá hợp pháp bán tại TP.HCM có chênh lệch giá rất cao. Cụ thể, Hero chênh lệch từ 8.000 - 10.000 đồng/bao, Jet 10.000 đồng/bao, Esse là 4.000 đồng/bao. Do đó, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn vận chuyển tinh vi như thay đổi cung đường vận chuyển, vận chuyển với số lượng ít, đóng giả là người dân chở cá, trái cây, rau củ... hoặc đóng giả học sinh, sinh viên vận chuyển để qua mắt lực lượng chức năng.


Tìm cách chặn


“Nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu còn hạn chế. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục cho thực hiện cơ chế tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu. Nguồn thu được sẽ ưu tiên trực tiếp cho lực lượng kiểm tra xử lý”, ông Phan Lợi đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu.


Cũng theo ông Lợi, thuốc lá nội so với hàng ngoại nhập còn kém về cả chất lượng và giá cả. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải nâng cao khả năng cạnh tranh, quan tâm hơn nữa đến chất lượng và hạ giá thành để góp phần chống hàng lậu.


Về vấn đề này, ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư kí Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, thuốc lá lậu có giá thấp do trốn thuế, trong khi thuốc lá nội phải chịu nhiều loại thuế nên giá không thể hạ được. “Lợi nhuận từ mỗi bao thuốc lá nội địa cũng không đáng là bao. Một bao thuốc lá trung cấp hiện nay chỉ có lãi khoảng 200 đồng. Trong khi đó, theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, đến tháng 7/2015, thuế đối với thuốc lá sẽ tăng từ 65% lên 75%. Thuế tăng cao như vậy thì giá thuốc lá trong nước khó mà giảm được, lợi nhuận cũng giảm theo”, ông Nghiệp cho biết. Do đó, Hiệp hội Thuốc lá đã kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại mặt hàng này.


Hiện nay, thuốc lá lậu chiếm khoảng 22% thị phần trong nước. Từ năm 2007, ngành thuốc lá trong nước đã chung tay với lực lượng QLTT để cùng chống buôn lậu thông qua việc hỗ trợ kinh phí. Cụ thể, mỗi bao thuốc lá được bắt giữ và tiêu hủy, lực lượng QLTT được hỗ trợ 1.100 đồng. Theo ông Nghiệp, Hiệp hội Thuốc lá đã đề nghị tăng mức hỗ trợ lên 3.500 đồng/bao nhưng hiện chưa được duyệt.


Hoàng Dương

Vận chuyển thuốc lá lậu, bị phạt 75 triệu đồng
Vận chuyển thuốc lá lậu, bị phạt 75 triệu đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Hồng Đảo với số tiền phạt 75 triệu đồng về hành vi vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu lậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN