Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng phát triển kinh tế của tỉnh Long An. Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lúa (20.000 ha), thanh long (2.000 ha), rau màu (2.000 ha) và bò thịt (5.000 con). Để làm được điều này, tỉnh Long An đã tăng cường ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm an toàn có xác nhận, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đòi hỏi người nông dân phải học tập cách sản xuất mới, có hệ thống và quy trình. Do đó, mỗi người dân khi tham gia ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp, đều đòi hỏi tự thích ứng và thay đổi thói quen sản xuất.
Thay đổi tập quán
Tỉnh Long An xác định ngoài lựa chọn 4 sản phẩm chủ lực để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gồm lúa, thanh long, rau màu và bò thịt, tỉnh còn xác định đối tượng trong tương lai là con tôm phục vụ cho xuất khẩu. Do đó, đối với mỗi loại sản phẩm là một quy trình ứng dụng công nghệ cao khác nhau.
Anh Phan Quốc Chinh, ngụ tại ấp Song Tân, xã An Lục Long, huyện Châu Thành cho biết, gia đình anh trồng 1ha thanh long ruột trắng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây là tiêu chuẩn khó đối với nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công các tiêu chuẩn do nhà nhập khẩu đưa ra, người sản xuất phải ứng dụng công nghệ cao và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí an toàn sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua trao đổi, anh Chinh cho biết, do trước đây là kĩ sư ngành công nghệ thông tin, nên khi bắt tay vào ứng dụng công nghệ cao trên vườn thanh long của gia đình, anh không bỡ ngỡ hoặc đắn đo trong việc đầu tư thiết bị như những nông dân khác.
Theo anh Chinh, anh sẵn sàng và mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt dưới gốc thanh long và hệ thống tưới phun sương trên ngọn. Thông qua các hệ thống này, người sản xuất có thể quản lý, ghi chép được lượng nước, phân bón sử dụng cho vườn thanh long hiệu quả nhất. Đến độ thu hoạch, tất cả những ghi chép quy trình sản xuất thanh long sẽ được nhà thu mua của châu Âu kiểm tra và xác nhận.
Song song với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trái cây – lúa – rau màu, con tôm cũng được người dân Long An chú trọng ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, mục tiêu năm 2020, tỉnh Long An phát triển diện tích nuôi tôm nước lợ là hơn 6.800 ha; trong đó, có 200 ha nuôi theo công nghệ cao, sản lượng đạt trên 15.000 tấn với giá trị đạt trên 1.180 tỷ đồng. Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ là 4.400 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao là 500 ha, sản lượng hơn 16.500 tấn với giá trị đạt trên 1.300 tỷ đồng.
Điển hình, huyện Cần Giuộc hiện có 5 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác nuôi tôm nước lợ có ứng dụng công nghệ cao. Để nuôi tôm theo mô hình này, vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 - 300 triệu đồng/1.000 m2 nhưng người nuôi giảm được chi phí lao động, giảm tỷ lệ hao hụt con giống, ít rủi ro, tôm đạt chất lượng, bán được giá. Sau 3 tháng thả nuôi, người dân thu hoạch khoảng 3 tấn/1.000 m2, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng/vụ, cao gấp hai lần so với cách nuôi truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Tiền, một nông dân trú tại ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc cho biết, trước đây, gia đình ông nuôi theo kiểu truyền thống, doanh thu không cao. Tuy nhiên, khi ông áp dụng nuôi tôm theo công nghệ cao, bình quân mỗi ao diện tích 2.000 m2, có thể thu hoạch từ 5 -7 tấn cho lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với nuôi truyền thống.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả diện tích nuôi tôm nước lợ hiện có, kết hợp với tổ chức lại sản xuất dựa trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư nuôi theo hướng công nghệ cao để tăng vụ (3 - 4 vụ/năm), tăng năng suất, chất lượng, giá trị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Người nông dân Long An giờ đây, với biện pháp công nghệ quản lý từng khâu đã dần thay đổi thói quen sản xuất, có cái nhìn vượt trội hơn để sản xuất và thu lợi nhuận cao thay vì chạy theo số lượng và tâm lý đầu tư con giống, cây giống nhiều hơn khuyến cáo để đề phòng hao hụt, thất thoát.
Tạo nguồn sản phẩm
Trước yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu hiện nay, hầu hết người sản xuất phải tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí an toàn, đảm bảo sức khỏe, sản phẩm mới được đón nhận và tiêu thụ nhanh chóng.
Trên cơ sở này, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chính là biện pháp khẳng định quy trình sản xuất đúng yêu cầu, quản lý được dịch bệnh, sâu hại, liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách li trước khi thu hoạch.
Là một trong 4 loại sản phẩm được tỉnh Long An ưu tiên xây dựng thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, rau, hoa màu hiện đang được đầu tư công nghệ cao là 2.000 ha. Trong các địa phương chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa màu phải kể đến huyện Cần Giuộc và Cần Đước.
Theo ông Ngô Bảo Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình, để thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, huyện tổ chức cho hàng trăm hộ dân đi thực tế tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương có thế mạnh sản xuất rau như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh.
Song song đó, hệ thống chính trị của huyện cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cũng như thực hiện các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật về sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.
Cái được lớn nhất sau gần 4 năm thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện chính là đã tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến tư duy của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân đã và đang chuyển dần từ việc canh tác truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm tối đa chi phí đầu vào, tạo lợi nhuận lớn hơn cho nông dân. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn giúp địa phương chủ động và bảo đảm được nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp.
Qua phân tích của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và đánh giá của các nhà phân phối, dư lượng chất độc hại trên các sản phẩm nông nghiệp của huyện đã giảm rất nhiều so với trước đây, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong bảo đảm an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đón nhận. Đó cũng là cách để sản phẩm nông nghiệp huyện Cần Giuộc xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Ông Trần Tiết Giao, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết ông đã mạnh dạn đầu tư đồng bộ hơn 4.000 m2 nhà lưới để trồng rau và đang mở rộng thêm quy mô sản xuất. Mặc dù việc đầu tư bước đầu tốn kém nhưng rất hiệu quả khi giảm được đến mức thấp nhất chi phí sản xuất, nhân công lao động cũng như tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nếu như trước đây, để tưới 4.000 m2 rau ít nhất cũng phải tốn từ 1-2 nhân công thì nay, ông chỉ cần đứng một chỗ bấm nút là xong. Chưa kể việc bón phân cũng được tích hợp luôn qua hệ thống tưới tự động, tiết kiệm 50% chi phí.
Bài cuối: Thúc đẩy liên kết sản xuất