Ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết những thách thức, rủi ro trong phát triển nông nghiệp được tỉnh Yên Bái coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Yên Bái triển khai 86 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 66 nhiệm vụ với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp quản lý, theo dõi 7 nhiệm vụ khoa học nông nghiệp cấp Nhà nước triển khai trên địa bàn.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho biết, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Kết quả sau 3 năm, các cơ quan chuyên môn đã đưa 39 giống mới; trong đó, 26 giống cây hoa màu, 3 giống cây lâm nghiệp, 9 giống cây dược liệu và 1 giống vật nuôi vào sản xuất đại trà, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, tỉnh Yên Bái đang triển khai thí điểm và khuyến khích nhân rộng nhiều mô hình công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, cảm biến, công nghệ sinh thái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; mô hình tự động hóa, số hóa đã được ứng dụng, gắn với chương trình "3 giảm, 3 tăng" từng bước được phổ biến, nhân rộng vào thực tế sản xuất nông nghiệp.
Cơ sở trồng lan hồ điệp theo công nghệ Israel của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái là một điển hình. Đây là mô hình trồng hoa lan hiện đại bậc nhất Việt Nam, với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng trên diện tích trên 13.000 m2, được xây dựng 4 nhà kính có hệ thống thông gió, điều hòa nhiệt độ, hệ thống phun sương tự động… nhập khẩu trực tiếp từ Israel. Cây hoa lan được chăm sóc trong môi trường nghiêm ngặt, chế độ dinh dưỡng đặc biệt nhưng bù lại cho hiệu quả kinh tế cao gấp chục lần so với cách trồng truyền thống.
Ông Cù Trần Chí Hậu, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc cho biết, với công nghệ chăm sóc hiện đại, công ty có thể điều chỉnh để cây lan nở hoa theo ý muốn của khách hàng với bông hoa dài từ 50 đến 70 cm, đa dạng về màu sắc, thời gian chơi hoa kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Sản phẩm hoa đẹp hơn nhưng bán với giá thành rẻ hơn hoa ngoài thị trường nhờ nâng cao năng suất, và hình thức vượt trội. Hiện sản phẩm hoa của công ty được sản xuất quanh năm theo đơn đặt hàng từ các đơn vị kinh doanh hoa trên toàn quốc.
Với lợi thế có nhiều nguồn nguyên liệu nông sản đặc sản có giá trị cao, cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đến nay, tỉnh Yên Bái đã dần hình thành một số sản phẩm nông sản chủ lực, khảng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, như: các sản phẩm từ cây quế, chè Shan tuyết, cây thảo dược, măng tre Bát Độ, gỗ rừng trồng, cây sơn tra, cây dâu tằm...
Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc Hợp tác xã Trà Shan tuyết Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn cho biết, nhờ việc ứng dụng công nghệ mới kết hợp với bí quyết truyền thống từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến chè Shan tuyết, đặc biệt là kỹ thuật ủ lên men và ướp tẩm hương vị. Hiện nay, hợp tác xã sở hữu 8 loại sản phẩm trà có giá trị cao, như: Bạch trà, Hồng trà, Lục trà, Hồng thiên, Phổ thiên... Phần lớn được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Nhật, Mỹ, Anh quốc, châu Âu, Trung Đông... với giá bán cao hơn nhiều lần so với trà Shan tuyết thông thường.
Hiện nay, tại Yên Bái quy trình thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn được áp dụng khá phổ biến, nhất là trồng rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới đảm bảo 4 tiêu chí về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tự động giúp tiết kiệm được công lao động; tiết kiệm phân bón, từ đó giảm chi phí lao động và tăng năng suất cây trồng.
Cũng giống như nhiều cơ sở trồng các loại rau quả trong nhà lưới trên địa bàn huyện Lục Yên, gia đình ông Lục Vân Anh tại tổ 9, thị trấn Yên Thế xây dựng vườn rau an toàn thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7.000 m2, mỗi năm cho lợi nhuận từ 650 đến 700 triệu đồng, cao hơn 3 lần so với cách canh tác thông thường.
Ông Lục Vân Anh chia sẻ, hệ thống tưới nhỏ giọt trực tiếp từng gốc cây đã tiết kiệm đến 80% lượng nước tưới, tiết kiệm từ 30% đến 40% lượng phân bón và khoáng chất. Phương pháp này chỉ sử dụng chế phẩm sinh học mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, thời gian sinh trưởng ngắn, hệ số quay vòng nhanh, giúp cải tạo đất, duy trì, nâng cao độ phì, màu mỡ cho đất một cách lâu dài và bền vững.
Ngoài ra, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đang được tỉnh Yên Bái hỗ trợ nghiên cứu, từng bước chuyển giao sản xuất đại trà, tiêu biểu như: mô hình trồng nấm Linh chi từ nguyên liệu cám cưa cây keo; mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm; mô hình trồng cây dược liệu ba kích và đương quy Nhật Bản... Kết quả ban đầu được các cơ quan chuyên môn đánh giá rất khả quan, hứa hẹn mang đến cho người nông dân Yên Bái nhiều kỳ vọng mới tốt đẹp.
Bên cạnh những thành công bước đầu, quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn, bất cập từ thực tế. Một số khó khăn phổ biến, như: nguồn vốn đầu tư còn hạn chế và trình độ nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu; tổn thất sau thu hoạch còn rất lớn; đất đai còn mang mún, việc tích tụ đất đai rất khó khăn; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, nhất là điện và nước; thị trường tiêu thụ không ổn định...; trong đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là thách thức lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Yên Bái.