Để hiểu rõ hơn, về sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư cũng như những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) mang lại…
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng xung quanh những nội dung này.
Thưa ông, trong những tháng đầu năm, không chỉ kinh tế Việt Nam mà kinh tế toàn cầu đã chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch COVID-19. Vậy ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch đến thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua?
Đại dịch COVID-19 đã tác động toàn bộ đến nền kinh tế thế giới, các hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội tại nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần của Chính phủ là chống dịch nhưng vẫn duy trì sản xuất kinh doanh.
Trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
So với thế giới, thì mức giảm này chưa nhiều. Đặc biệt, kết quả thu hút FDI trong 5 tháng đầu năm có những tín hiệu tích cực như: số tổng số vốn đăng ký cấp mới của các dự án tăng 15%, vốn của các dự án đăng ký tăng thêm tăng 32%, và số lượt góp vốn cổ phần của doanh nghiệp tăng 12%. Chứng tỏ các doanh nghiệp đầu tư vẫn đang cố gắng trong tình trạng bình thường.
Đây là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cùng với sự quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, cũng như có những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, việc xử lý dịch COVID-19 rất tích cực, hiệu quả của Việt Nam đã củng cố thêm nhận định: Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn và an toàn.
Tôi tin rằng, sau khi Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, các nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam và dòng đầu tư nước ngoài sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay và tiếp tục tạo đà cho những năm tiếp theo.
Hiện nay có xu hướng dịch chuyển luồng vốn đầu tư sang Ấn Độ và các nước ASEAN giai đoạn “ hậu COVID-19”. Theo ông cơ hội của Việt Nam trong việc đón làn sóng đầu tư này ra sao?
Thực ra, chúng ta cần nói đến tái cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp. Các tập đoàn trên thế giới đã tái cơ cấu đầu tư từ nhiều năm nay để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư kinh doanh.
Khoảng 7-8 năm trước, các doanh nghiệp, Tập đoàn này đã thực hiện chính sách tái cơ cấu đầu tư, khi đó chúng ta đã nghe nhiều về chiến lược China +1 và Thái Lan +1. Sau đó, khi Việt Nam đàm phán hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) một số các nhà đầu tư đã đưa dòng vốn này sang Việt Nam để tận dụng cơ hội từ Hiệp định này. Tiếp đến là do xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, các Tập đoàn lại tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để tránh việc bị áp thuế cao từ Hoa Kỳ.
Và lần này, do dịch COVID-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nhận thấy cần tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một địa bàn, một đối tác nên các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để mở ra một địa bàn khác nhằm tránh sự rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn.
Tôi cho rằng, sự chuyển dịch này là sự tái cơ cấu một cách tự nhiên trong đầu tư kinh doanh của bất cứ một tập đoàn, doanh nghiệp nào. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên dòng chuyển dịch hoặc tái cơ cấu này không đương nhiên đến với chúng ta mà còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của mỗi quốc gia, mỗi địa phương.
Đang có dòng vốn dịch chuyển như vậy, theo ông, lợi thế của Việt Nam so với một số nước trong khu vực ASEAN được đánh giá như thế nào?
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng, đã được các nhà đầu tư đánh giá cao do có một số lợi thế như: là nước có nền chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong nhiều năm; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường rộng lớn, mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao; hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; có nhiều ưu đãi và chi phí mang tính cạnh tranh. Và Việt Nam có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Cùng với quá trình đổi mới, Việt Nam luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư. Và đến nay, Việt Nam đang càng có những cải cách về chính sách hơn nữa. Ví dụ như: Quốc hội đang xem xét và thông qua tại kỳ họp lần này các Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)… những bộ luật này sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Đặc biệt, trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) với nhiều điểm mới, tăng cường phân cấp, đa dạng hơn hình thức đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đồng thời, có những quy định theo hướng nhằm thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, có chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ-TW năm 2019 về định hướng hoàn thiện thế chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 do Ban chấp hành Trung ương ban hành… Điều đó chứng minh cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và an toàn để đầu tư, kinh doanh.
Để đón làn sóng này, theo ông, Việt Nam cần có những giải pháp gì?
Do dịch COVID-19, nên các doanh nghiệp muốn đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để lấp ngay vào sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng. Theo đó, các doanh nghiệp rất quan tâm đến: đất công nghiệp để xây dựng nhà máy; nguồn nhân lực có chất lượng cao; cần có những ưu đãi, hỗ trợ mang tính cạnh tranh vàcần thực thi các thủ tục nhanh chóng để sớm triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Nắm bắt được nhu cầu đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều đang rất khẩn trương để điều chỉnh chính sách, cũng như những điều kiện cần thiết để đón dòng chuyển dịch này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất 4 nhóm giải pháp. Một là: nhóm giải pháp liên quan đến xúc tiến đầu tư. Hai là: nhóm thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo đó, Bộ sẽ thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Ba là: nhóm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuẩn bị điều kiện để đón các nhà đầu tư và cuối cùng là liên quan đến ưu đãi hỗ trợ đầu tư. Hiện Luật Đầu tư sửa đổi và các Luật khác có liên quan đã bổ sung những ưu đãi mang tính cạnh tranh tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA. Theo ông, việc phê chuẩn 2 Hiệp định này có mở ra một cơ hội để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư?