Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" như FLC, ROS, AMD, HAI, ART, KLF giảm sàn trắng bên mua. Điều này đã tác động nhiều nhóm cổ phiếu khác có vốn hóa lớn tiếp tục bị bán mạnh, trong đó cổ phiếu ngân hàng đồng loạt chịu áp lực điều chỉnh. Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường có tới 6 đại diện đến từ ngân hàng là STB, VPB, TCB, SHB, MBB, SSB.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng cũng giao dịch kém, khi tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn. Một số cổ phiếu bluechips như DIG, MSN, VNM, VJC, DXG,VND cũng giảm sâu càng khiến thị trường mất đi trụ đỡ, quay đầu chìm sâu trong sắc đỏ. Không chỉ thế, đà giảm còn lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác như bảo hiểm, thép.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu thủy sản đang thu hút dòng tiền khá tốt như VHC, ANV, IDC, CMX, AAM, FMC MPC, thậm chí ACL tăng trần… Nhóm dầu khí hay phân bón cũng có giao dịch khả quan với nhiều mã tăng điểm như PVD, GAS, PVS, PLX, PGC, PVC, LAS, DCM, SFG, DGC, DDV, BFC...
Bên cạnh đó, hai mã vốn hóa lớn nhóm công nghệ là FPT và MWG tăng điểm khá tốt và trở thành trụ đỡ chính giúp thị trường bớt phần tiêu cực.
Trước đó, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định khá tích cực về xu hướng tích lũy của thị trường để chuẩn bị cho giai đoạn tăng điểm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những dự báo trên đã hoàn toàn sụp đổ trước thông tin nóng liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC. Theo đó, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 28/3 không mấy khả quan.
Chốt phiên chiều, VN-Index giảm 15,32 điểm xuống còn 1483,18 điểm; HNX-Index giảm 6,86 điểm xuống còn 454,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường hơn 1.313 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 39.579 tỷ đồng.
Toàn thị trường có hơn 600 mã giảm, trong đó có 35 mã giảm sàn; gần 660 mã đứng giá và gần 400 mã tăng giá.