Bài viết này có đoạn: “Gần như chắc chắn Mỹ không thể hồi phục lại thời vàng son là nhà sản xuất chính dưới sự lãnh đạo của ông Trump.”
Tác giả bài viết cho rằng nếu các công ty lớn, như “đại gia” Apple hiện đang có “đại công xưởng” ở Trung Quốc, muốn thể hiện “tình yêu nước” bằng việc “bốc” các nhà máy về Mỹ thì họ phải chấp nhận trong tương lai giá thành sản phẩm sẽ leo thang so với hiện tại. Điều này được coi là cơ hội để các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc như Huawei và Xiaomi giành thị phần của Apple.
Các nhà kinh doanh đều “nằm lòng” rằng cùng một mặt hàng, nhưng sản phẩm “Made in China” thường rẻ hơn nhiều so với sản xuất tại Mỹ. Và bản thân công ty sản xuất máy điều hòa Carrier cũng vậy.
Nhưng theo CNN, nhiều chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung gọi bài báo trên chỉ là “sản phẩm quảng cáo” đồng thời khẳng định truyền thông Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính phủ.
Tác giả cuốn “Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ”, ông Gordon Chang nhận định: “Họ sẽ không cho ra đời bài báo như vậy trừ khi đang lo lắng. Bài báo này để trấn an người Trung Quốc rằng mọi thứ đều ổn cả”.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump rất nhiệt tình với cam kết đem công việc về nước Mỹ từ Trung Quốc và Mexico. Và ngay trong kế hoạch cho 100 ngày làm việc đầu tiên, ông Trump đã gắn mác Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”.
Trung Quốc dường như khá căng thẳng về việc ông Trump sẽ có hành động gì. Tổng thống đắc cử Trump đã xuất hiện vào đúng thời điểm Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Chính Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi từ một “công xưởng của thế giới” thành nơi có nhiều công việc liên quan tới dịch vụ và công nghệ cao.
Ngoài ra, Trung Quốc ngày 19/10 tuyên bố nước này tiếp tục có tăng trưởng 6,7% trong 3 quý đầu năm 2016 nhưng thực tế đây là quá trình “lên dốc” có đà chậm dần so với những năm gần đây đồng thời có nhiều ý kiến nghi ngờ về độ tin cậy của thông số này.
Ông Trump rất quyết tâm và cam kết đem công việc về nước Mỹ. Ảnh: Reuters |
Một số yếu tố khác đáng chú ý có thể gây tác động tới việc "gầm ghè" nhau giữa ông Trump và Trung Quốc liên quan đến thị trường lao động là nghiều công việc hiện đang mất dần vào tay robot và tự động hóa. Không những vậy, một số công ty Trung Quốc cũng đang chập chững mở nhà máy sản xuất tại Mỹ.
Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định rằng nếu muốn giành thị phần của các công ty Mỹ thì Trung Quốc phải thực sự gắng sức từ cách đây rất lâu.
Nhưng ông Scissors cho rằng bài báo của Global Times có một điểm đúng đó là ông Trump sẽ gặp nhiều trở ngại để đem lại vinh quang cho ngành sản xuất của Mỹ.
Ông Scissors phân tích: “Mục tiêu đem lại công việc trong ngành sản xuất của ông Trump có thể thực hiện được. Nhưng đó không phải là công việc mà chúng ta đã để tuột khỏi tầm tay”. Ông Scissors cũng cảnh báo về “tác dụng phụ” là người tiêu dùng Mỹ phải chi nhiều tiền hơn do giá thành tăng.