Người biểu tình đốt cờ phản đối Tổng thống đắc cử Trump tại Oakland, California. |
Trong một dòng tweet đăng vào sáng thứ Ba (29/11), ông Trump viết: “Không một ai được phép đốt cờ Mỹ - nếu họ làm vậy, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả cực nghiêm khắc. Có thể sẽ mất quyền công dân hay dành những năm tháng cuộc đời trong tù”.
Hiện vẫn chưa lí do vì sao Tổng thống Mỹ đắc cử lại có dòng tweet như vậy, khi ông còn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng bộ máy chính quyền sắp tới của mình. Chỉ còn 3 tuần nữa là đến lễ nhậm chức song ông Trump mới chỉ bổ nhiệm được 4 trong tổng số 15 vị trí quan trọng thuộc nội các.
Hành động đốt cờ hay thường thấy trong các cuộc biểu tình – được luật pháp Mỹ bảo vệ dưới Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ. Luật này bảo đảm quyền công dân được tự do ngôn luận của người Mỹ. Tối cao Pháp viện Mỹ cũng đã hai lần thiết lập luật chỉ rõ chính phủ Mỹ không được phép cấm hành động đốt quốc kỳ.
Năm 2006, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell lên tiếng phản đối hiến pháp sửa đổi cấm hành động đốt cờ, mặc dù ông thừa nhận việc đốt quốc kỳ là “đáng xấu hổ” song ông giải thích luật cấm đốt cờ sẽ thổi bay tự do ngôn luận ở Mỹ.
Ông Antonin Scalia - thẩm phán bảo thủ nổi tiếng nhất của Tối cao Pháp viện Mỹ - người qua đời trong tháng 2 vừa qua, để lại chiếc ghế trống mà ông Trump có nhiệm vụ tìm người thay thế, chia sẻ suy nghĩ trong một lần trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN: “Các đối tượng bày tỏ ý kiến cảm xúc của mình qua việc đốt quốc kỳ đều được Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Tuy hành động đó thực sự đáng lên án, nhưng việc bảo vệ tự do ngôn luận, dù nó mang tính chất xúc phạm cỡ nào, thì đều rất quan trọng với một nền dân chủ”.