Theo NBS, Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2019 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018, so với mức tăng 2,7% trong tháng 6/2019. Nhà phân tích Li Chao của Huatai Securities cho hay CPI trong tháng 7/2019 chắc chắn là mức cao của năm 2019.
Giá lương thực của Trung Quốc trong tháng 7/2019 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn so với mức tăng 8,3% trong tháng 6/2019, trong khi giá các mặt hàng phi lương thực tăng 1,3%, thấp hơn mức tăng 1,4% của tháng 6/2019.
Theo quan chức của NBS, Dong Yaxin, giá hoa quả và thịt lợn tiếp tục là các yếu tố chính khiến giá lạm phát gia tăng. Giá hoa quả ở Trung Quốc trong tháng 7/2019 tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2018, đóng góp 0,63 điểm phần trăm vào CPI của tháng 7/2019. Cũng trong tháng 7/2019 giá thịt lợn tăng 7,8% so với tháng trước đó và tăng 27% trong năm nay do nguồn cung thắt chặt.
Còn trong giai đoạn từ tháng 1-7/2019, chỉ số CPI của Trung Quốc đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trước đó, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu CPI năm 2019 là 3%.
Số liệu mới công bố trên cũng cho thấy Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 7/2019 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lĩnh vực dầu khí giảm mạnh nhất.
Nhà kinh tế trưởng Zhang Jun của China Fortune Securities cho rằng sức ép lạm phát sẽ không phải là một vấn đề cấp bách cần ứng phó trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Sức ép ở mức vừa phải này sẽ khiến Chính phủ Trung Quốc không vội vàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đa dạng để điều chỉnh cơ cấu kinh tế và cải thiện nguồn tài chính cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.