Sau khi Crimea (Crưm) tiến hành trưng cầu ý dân, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã dọa thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Ai sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều? Không quá phóng đại để nói đó chính các công ty ô tô phương Tây đầu tư vào Nga.Điều này đã được dự báo từ trước, tuy nhiên vấn đề trở nên thực tế sau khi phương Tây đe dọa trừng phạt Nga, cô lập nước này bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Có thể nói ngay rằng tất cả lời đe dọa này chỉ là “võ mồm” và người sợ những lời đe dọa đó không phải nước Nga. Năm 2013, tại Nga đã bán được 2.608 triệu xe con, đáng chú ý trong số đó xe do công ty Nga chế tạo chỉ là các dòng SUV UAZ.
Tuy nhiên, ví dụ như chiếc UAZ “Patriot” lại có hơn 50% linh kiện nhập khẩu. Và như vậy tất cả lượng xe còn lại (trừ đi 29.244 chiếc UAZ) là sản phẩm của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Ví dụ như hãng xe AvtoVAZ của Nga, năm 2012 đã bị liên minh Renault-Nissan thôn tính.
Quy mô thị trường ô tô Nga là hơn 70 tỷ USD, tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng. 70 tỷ USD là số tiền người tiêu dùng Nga chi mua xe mới, song các nhà sản xuất ô tô còn kiếm bộn tiền không chỉ từ bán xe mà cả thông qua dịch vụ và sản xuất phụ tùng.
Thêm vào đó, trong những năm gần đây tại Nga còn khai trương nhiều nhà máy sản xuất linh kiện ô tô, và thị trường này cũng trị giá hàng chục tỷ USD. Thị trường ô tô Nga lớn thứ 2 ở châu Âu và lớn thứ 6 thế giới, vẫn rất giàu tiềm năng, dù doanh số đã giảm chút ít.
Một showroom bán xe ô tô tại Moskva. Ảnh: Reuters |
Có thể hiểu các nhà sản xuất ô tô và linh kiện hàng đầu trên thế giới đang nỗ lực hết sức có thể để “chiếm chỗ” ở Nga và đặt chân vào thị trường này. Hãy mường tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và điều này ảnh hưởng như thế nào tới thị trường ô tô Nga.
Có thể bắt đầu từ câu nói của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov – trừng phạt là con dao 2 lưỡi. Điều này có nghĩa là Nga có quyền đáp trả tương xứng bất cứ hình thức trừng phạt nào và không có gì đảm bảo hình thức trừng phạt trả đũa đó không rơi vào các nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Ví dụ như các nhà sản xuất ô tô Mỹ bởi Mỹ là nước lớn tiếng nhất đe dọa Nga.
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ có quyền lợi gì tại Nga? Trong số 3 đại gia ô tô Mỹ 2 hãng sản xuất bị ảnh hưởng nhiều là General Motors (GM) và Ford. Đại gia thứ ba - Chrysler, năm 2013 chỉ bán được 5.600 xe trên thị trường Nga với các mác xe Chrysler, Dodge và Jeep, trong đó 98% là xe gắn thương hiệu Jeep. Trong khi đó cả GM và Ford đều mở nhà máy lắp ráp xe hơi ở Nga và bán được hàng nghìn xe mỗi năm. Năm 2013, Ford bán được 92.908 xe, còn GM (với 3 thương hiệu Chevrolet, Cadillac và Opel) bán được 257.601 xe.
Dĩ nhiên tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, GM và Ford bán được lượng xe lớn gấp nhiều lần, song trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc giảm doanh số liệu thụ thậm chí chỉ là vài % cũng có thể gây thua lỗ lớn, vốn thường dẫn tới giảm việc làm và đóng cửa nhà máy. Để thấy rõ điều này, chỉ cần tới Detroit và xem thủ đô ô tô của thế giới đã có lúc như thế nào.
Một nước khác cũng lớn tiếng đe dọa trừng phạt Nga là Pháp. Paris cam kết ngừng chế tạo tàu đổ bộ chở trực thăng “Mistral” trị giá 1,2 tỷ euro cho Nga. Tuy nhiên việc trừng phạt có thể dễ dàng dẫn Pháp tới việc mất chỗ đứng trên thị trường ô tô Nga. Vị thế của người Pháp tại thị trường Nga có thể nói là rất tốt. Không chỉ liên minh Renault-Nissan, có cổ phần trong AvtoVAZ, năm 2013 bán được 808.479 xe, chiếm vị trí số 1 trên thị trường Nga. Mà tập đoàn PSA Peugeot Citroen của Pháp năm 2013 cũng bán được 50.480 xe. Như vậy trong trường hợp bị trả đũa, Pháp có thể mất đi nhiều tỷ euro từ thị trường xe hơi Nga. Hậu quả là không chỉ người công nhân mất việc do không đóng tàu Mistral, mà các công nhân Renault, Peugeot và Citroen cũng có thể thất nghiệp. Không hề quá khi nói việc áp đặt trừng phạt kinh tế Nga chẳng khác nào đóng đinh lên cỗ quan tài của Tổng thống Francois Hollande, người mà tỷ lệ ủng hộ nay đã tụt xuống mức gần bằng 0.
Các nhà sản xuất ô tô Đức hiểu rõ tầm quan trọng của thị trường Nga, và họ thẳng thừng chống lại bất cứ hình thức trừng phạt nào. Quan điểm của họ đã được nhiều lần chuyển đến bà Thủ tướng Angela Merkel, người đang nỗ lực vừa có thể “vui mừng” hậu thuẫn Washington, vừa không muốn để các công nhân Đức mất miếng ăn. Rốt cuộc, nếu Đức áp đặt các biện pháp trừng phạt, sự trả đũa của Nga có thể là một đòn đau đối với ngành công nghiệp xe hơi Đức. Chỉ Volkswagen (VW) năm ngoái đã bán được ở Nga 293.204 xe (gắn các thương hiệu VW, Skoda, Audi, Porsche, Seat và Bentley). Daimler AG năm 2013 bán được 44.574 xe ở Nga (Mercedes-Benz và Smart), BMW – 44.930 xe (BMW, Mini và Rolls-Royce). Ngoài xe con, Daimler AG còn tiêu thụ tại thị trường Nga xe tải và thiết bị chuyên ngành, và những vấn đề với thị trường Nga có thể dẫn tới thua lỗ nghiêm trọng.
Nhìn chung có thể nói, nếu Nga quyết định trả đũa các biện pháp trừng phạt, “cuộc sống” sẽ trở nên khó khăn với các hãng xe nước ngoài, vốn năm ngoái xuất xưởng tại Nga hơn một nửa trong tổng số 2.608 triệu xe tiêu thụ. Những thiệt hại đối với họ sẽ không dẫn tới thảm họa, song vô cùng đau đớn. Trong vòng gần 10 năm qua, chỉ riêng hãng VW đã đầu tư tại Nga hơn 1 tỷ USD. Với Renault-Nissan con số còn lớn hơn.
Như vậy có thể hiểu lo ngại của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang làm phức tạp hơn tình hình chính trị liên quan tới Nga. Rút cục kinh doanh ô tô và chính trị cũng liên hệ mật thiết với nhau, và có thể nhớ lại những thiệt hại doanh nghiệp Nhật Bản phải hứng chịu tại Trung Quốc, khi quan hệ hai nước căng thẳng do tranh chấp biển đảo.
Duy Trinh