Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Lạng Sơn Chu Xuân Tiến cho biết: Nấm Linh Chi từ lâu được coi là thảo dược có nhiều tác dụng quý trong y học, tiêu biểu như có tác dụng chống khối u, kháng khuẩn, tốt cho gan… Nấm Linh Chi có nhiều loại, nhưng giá trị nhất là giống nấm Linh Chi đỏ do vậy giá thành sản phẩm nấm Linh Chi tương đối cao. Tuy vậy việc sản xuất nấm Linh Chi còn nhiều khó khăn, hạn chế về công nghệ nuôi cấy giống và chăm sóc.
Trước nhu cầu rộng lớn của thị trường, từ năm 2012, Trung tâm Ứng
dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Lạng Sơn đã tiến hành nghiên cứu,
trồng thử nghiệm nấm Linh Chi đỏ với những kỹ thuật tiên tiến và công
nghệ hiện đại. Để xây dựng thành công quy trình sản xuất nấm này, Trung
tâm đã cử cán bộ đi tham quan, học tập và tiếp nhận quy trình sản xuất
nấm từ Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học, thuộc
Công ty trách nhiệm hữu hạn nấm Linh chi.
Theo đó, loại
giống được Trung tâm lựa chọn là loại giống nấm Linh Chi đỏ, được cấy
chuyền ra giống cấp I và cấp II trong phòng nuôi cấy mô tế bào với quy
trình nhân giống được tuân thủ nghiêm ngặt. Do giống nấm Linh Chi đỏ
được nuôi cấy bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào có ưu điểm vượt trội
về khả năng sinh trưởng, phát triển, kháng sâu bệnh nên giá trị dược
liệu của sản phẩm được bảo tồn.
Khi đưa vào nuôi trồng,
Trung tâm đã áp dụng nghiêm ngặt các quy trình, phương pháp kỹ thuật.
Trong quá trình ươm cây và nuôi trồng, nhiệt độ mỗi giai đoạn luôn được
kiểm tra, đảm bảo độ ẩm không khí đạt từ 80% - 90%, ánh sáng khuếch tán
và kín gió. Đặc biệt, trong thời gian từ khi nấm bắt đầu lên đến lúc thu
hoạch, ngoài việc duy trì độ ẩm trong phòng thì phải tưới phun sương
nhẹ trực tiếp trên bề mặt túi giúp luôn duy trì độ ẩm.
Nấm
Linh Chi đỏ có thể trồng trên mùn của tất cả các loại cây thân gỗ như
trám, keo, sau sau và mùn cưa… Do vậy, việc sản xuất nấm Linh Chi đỏ ở
Lạng Sơn hiện nay còn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có, từ đó
khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Kiểm tra độ sinh trưởng của nấm Linh chi đỏ tại trại trồng nấm ở khu 2, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Ông Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng Phòng Triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết: Mỗi năm Trung tâm tiến hành nuôi trồng 2 vụ nấm Linh Chi đỏ với khoảng 4.500 bịch nấm/năm, sau hơn ba tháng nuôi trồng và chăm sóc, đã cho thu hoạch được 140kg nấm tươi. Sau khi phơi khô, sản lượng nấm khô đạt gần 90kg. Với giá thị trường trung bình khoảng trên dưới 800 nghìn/kg nấm khô, giá trị thu được từ việc sản xuất nấm Linh Chi đỏ là tương đối cao.
Đặc biệt, qua nhiều vụ trồng khảo nghiệm nấm Linh Chi đỏ tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Lạng Sơn cho thấy, đây là loại nấm dễ trồng, thu được hiệu quả kinh tế cao do vậy người dân hoàn toàn có thể áp dụng nuôi trồng tại mô hình kinh tế hộ gia đình, thông qua việc cung cấp nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc của Trung tâm.
Việc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Lạng Sơn làm chủ được quy trình sản xuât nấm Linh Chi đỏ, đã mở ra cơ hội cho người dân trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, tận dụng tài nguyên sẵn có của địa phương, đồng thời, góp phần bảo tồn được loại dược liệu quý này.