Đáng chú ý, cùng với sắn dây, nếp cái hoa vàng, hành tỏi Kinh Môn hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận hàng hóa và được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017 – 2018, trở thành đặc sản nông nghiệp, giúp người dân địa phương làm giàu.
Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, huyện “dồn điền đổi thửa”, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân phân vùng quy hoạch. Vùng nào thích hợp phát triển nông sản nào thì định hướng vào đề án, nghị quyết phát triển nông nghiệp của huyện; đồng thời hướng dẫn bà con không chạy theo giá cả, thời vụ, mà xác định phát triển bền vững diện tích câu trồng lâu dài, nhằm ổn định đầu ra thị trường cần. Nhờ vậy, nhiều nông sản đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương”.
Hành tỏi Kinh Môn là cây trồng thâm canh vụ đông, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày khoảng 3 tháng. Diện tích cây vụ đông của huyện hiện có từ 4.200 - 4.300 ha, trong đó diện tích hành tỏi trên 3.600 ha. Riêng năm 2018, huyện đã thu từ hành tỏi trên 1.000 tỷ đồng, trong tổng số giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ạm Nguyễn Ngọc Bình (thôn Huề Trì, xã An Phụ) phấn khởi cho biết: “Đối với gia đình tôi, trong 3 tháng cuối năm 2018, diện tích trồng hành tỏi đã mang lại thu nhập 120 triệu đồng. Năm nay, giá hành tỏi tăng cao hơn so với năm 2017, nên gia đình yên tâm sản xuất, tiêu thụ”.
Theo định hướng của huyện Kinh Môn, năm 2019, khi vụ lúa thu hoạch xong, người dân sẽ tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, lên luống, xử lý bằng chế phẩm vi sinh để nhân rộng ngay diện tích trồng hành, tỏi.
Huyện đã cử cán bộ nông nghiệp xuống tận đồng để hướng dẫn nông dân các thôn, xã sử dụng các chế phẩm hữu cơ an toàn như chế phẩm EMINA có nguồn gốc từ Nhật Bản, giúp cây khỏe, chất lượng tốt hơn, tỷ lệ bảo quản sau thu hoạch tốt hơn, hao hụt thấp, nhằm giúp bà con có thể giảm tỷ lệ hao hụt từ 12 - 13,5% so với hiện nay và tăng thêm giá trị gia tăng.