Đến nay, qua gần hai năm triển khai, ngoài tạo ra các dòng sản phẩm liên quan đến Đông trùng hạ thảo, đơn vị còn tiến hành chuyển giao công nghệ cho các hộ dân và doanh nghiệp có nhu cầu, mang đến triển vọng mới trong việc phát triển loại dược liệu quý này.
Theo đó, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai nghiên cứu sản xuất giống cấp I và giống sản xuất Đông trùng hạ thảo trong điều kiện phòng thí nghiệm bằng kỹ thuật phân lập Cordyceps militaris trên môi trường PDA từ các giống nhập nội, giống gốc và sản phẩm Đông trùng hạ thảo ngoài thị trường. Việc tuyển chọn này nhằm tạo ra giống nấm Đông trùng hạ thảo nguyên chủng, có chất lượng, đồng nhất; đồng thời có thể chủ động sản xuất nguồn giống phục vụ cho việc nuôi trồng Đông trùng hạ thảo.
Sau khi được tuyển chọn, giống nấm Đông trùng hạ thảo sẽ được kiểm tra, đánh giá chất lượng bằng kỹ thuật vi sinh kết hợp nuôi cấy mô trước khi làm nguồn giống gốc phục vụ nhân giống. Giống gốc được nhân sinh khối trên môi trường nuôi cấy để tạo giống cấp I và giống sản xuất, dùng để cấy vào các bình phôi. Sau thời gian nuôi sẽ phát triển thành sợi nấm và quả thể nấm.
Sau khi thu hoạch, nấm Đông trùng hạ thảo được sấy khô bằng phương pháp sấy thăng hoa để đảm bảo màu sắc và chất lượng sản phẩm, trước khi được đóng gói, thiết kế nhãn mác, bao bì, cũng như tạo ra các sản phẩm có liên quan như rượu, mật ong Đông trùng hạ thảo hay sản phẩm Đông trùng hạ thảo sấy khô.
Song song với việc nghiên cứu và tự sản xuất, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cũng kết hợp hướng dẫn kỹ thuật cho một số hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ chuyển giao các ứng dụng trong sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo.
Ông Hà Văn Trình (phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, từ đầu tháng 2/2020, ông đã đến Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để đăng ký nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trong diện tích phòng khoảng 16 m2. Tại đây, ông được các kỹ thuật viên của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh tư vấn thiết kế, xây dựng phòng nuôi, hỗ trợ kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giúp ông yên tâm trong quá trình nuôi trồng.
“Từ khi triển khai đến nay cũng không có gì khó khăn, bởi tất cả mọi thứ đều theo hướng dẫn và chỉ đạo của Sở. Trước hết, đây sẽ là sản phẩm giúp bảo đảm sức khỏe cho gia đình, vì Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý. Dự định của tôi là đầu tư hoàn chỉnh khu vực phòng để nuôi được khoảng 1.000 hũ. Sau khi gia đình dùng xong, tôi sẽ đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Trình cho biết thêm.
Theo ông Lê Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai: Hiện nay, việc đầu tư các trang thiết bị, phòng nuôi cấy Đông trùng hạ thảo khá cao, ở mức trên 100 triệu đồng cho một phòng 16 m2. Bên cạnh đó, công đoạn sấy thăng hoa cũng phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ của đơn vị. Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có nhu cầu các công đoạn sau thu hoạch. Thậm chí, đơn vị sẽ hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua cửa hàng giới thiệu, tư vấn chuyển giao sản phẩm ứng dụng khoa học và công nghệ của trung tâm.
Theo tính toán, thời gian nuôi sáng để thu hoạch nấm Đông trùng hạ thảo, tức tính từ thời gian chuyển giao giống và công nghệ sản xuất nấm cho các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đến thời điểm thu hoạch khoảng 1,5 tháng. Với một căn phòng có diện tích 16 m2, được tận dụng tối đa có thể nuôi được 1.000 hũ nấm, cho thu hoạch khoảng 22,5 kg nấm tươi. Sau quá trình sấy thăng hoa, sẽ thu về được 2,5 kg nấm Đông trùng hạ thảo khô. Với giá bán ra từ 30 – 40 triệu đồng/kg, lợi nhuận từ trồng nấm đạt từ 30% – 40% so với khoản đầu tư ban đầu.
“Hiện nay, nhu cầu nhận chuyển giao công nghệ trồng nấm Đông trùng hạ thảo của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn, bởi tất cả các giống cấp I của đơn vị sản xuất ra đều được thu mua. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc sản xuất giống cấp I để đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Hải phân tích.
Theo kế hoạch, cuối năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án “Khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ” với kinh phí 40 tỉ đồng. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi triển khai thực nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học với các công nghệ tiên tiến, cung cấp cho thị trường các loại giống cây trồng chất lượng, các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện tỉnh Gia Lai, trong đó có nấm Đông trùng hạ thảo.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo phương thức tự chủ. Vì vậy, việc làm chủ công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo giúp cho hoạt động tự chủ của Trung tâm được tốt hơn; đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nếu có nhu cầu nhận chuyển giao công nghệ nuôi trồng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho rằng, ngoài lợi thế từ việc được tỉnh đầu tư về công nghệ cao, việc tiếp nhận và đào tạo nhân lực trình độ cao chính là yếu tố cốt lõi. Bởi đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuận có trình độ cao sẽ làm chủ, nghiên cứu và nhận chuyển giao, tiếp nhận các công nghệ cao từ các viện, trường đại học về địa phương, từ đó có đủ năng lực để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
“Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các viện, trường đại học sản xuất Đông trùng hạ thảo trên các cá thể, đảm bảo mùa đông sẽ giữ hình hài của các con côn trùng, mùa hè sẽ hình thành các sợi nấm. Đồng thời, Gia Lai chú trọng việc nghiên cứu xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo tại các thị trường lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Lưu Trung Nghĩa nhấn mạnh.