Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội): Nhiều triển vọng tốt
Theo tôi, kinh tế 2019 có nhiều triển vọng bởi xu thế trong năm 2018 rất tốt. Thông thường kinh tế của Việt Nam hay theo quy luật những tháng cuối năm sẽ cao hơn các tháng đầu năm.
Và năm nay cũng vậy, dự báo kinh tế quý II, III đi xuống, nhưng thực tế lại không như vậy mà đang đi lên trong bối cảnh tất cả các tác động về thương mại; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra; vấn đề bảo hộ của các nước rất mạnh.
Trong khi đó, trong năm 2018, nền kinh tế đang đi vào guồng, tương đối đều ở tất cả các lĩnh vực như: công nghiệp, chế tạo, chế biến, dịch vụ, đặc biệt là nông nghiệp đã cơ bản khắc phục được tình trạng "được mùa mất giá". Như vậy, nền kinh tế đang đi theo một quỹ đạo tương đối ổn định.
Với tiền đề của năm 2018 như vậy, sang năm 2019, những yếu tố này vẫn hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí còn tích cực hơn. Cụ thể, cải cách thể chế ngày càng tích cực hơn, nút thắt trong đầu tư công dần được tháo gỡ... cho thấy nền kinh tế trong năm 2019 không gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2018.
Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngay đầu năm 2019 sẽ có một số tác động tích cực ngay như: thị trường một số nước sẽ mở rộng hơn, thuế suất một số mặt hàng được giảm ngay... và trong vòng 3 năm đầu Việt Nam sẽ không bị tác động ngược trở lại. Như vậy, đây là điều thuận lợi cho nền kinh tế trong giai đoạn đầu để có thể đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu, thị trường, sản xuất.
Đồng thời, một thuận lợi nữa là khả năng thu hút đầu tư, nếu như môi trường ngày càng tốt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Bởi các nhà đầu tư cũng nhìn thấy tiềm năng của Hiệp định CPTPP sẽ yêu cầu trong tương lai nhà đầu tư đầu tư vào chuỗi sản xuất giá trị cung ứng, đây là một cơ hội.
Tuy nhiên, kinh tế 2019 cũng có những khó khăn chính từ thị trường quốc tế. Khi thị trường có sự biến động mạnh thì rõ ràng việc sụt giảm của thị trường Trung Quốc sẽ rất lớn, trong khi đó thị trường này đang chiếm tỷ trọng tương đối lớn với Việt Nam. Việc Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền, khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp bất lợi, đây là nguy cơ rất lớn.
Bên cạnh đó, còn có các thị trường khác, bởi khi mở cửa không chỉ hàng hoá Việt Nam đưa ra nước ngoài mà hàng hoá của các nước cũng tràn vào. Nếu chúng ta không giữ được thị trường trong nước thì cũng dễ mất thị trường này vào các nước khác. Đây cũng là một thách thức lớn.
Ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Tiếp đà tăng trưởng
Kinh tế 2019 sẽ tiếp đà tăng trưởng của 2018 do vốn đầu tư trong năm 2018 tăng; tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên tới 33,5% GDP, trong khi các năm trước chỉ khoảng 31%. Bên cạnh đó, Việt Nam rất tích cực trong cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế.
Trước mắt, tổng vốn đầu tư xã hội tăng sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng. Còn chất lượng tăng trưởng lại đòi hỏi quá trình tái cơ cấu; trong đó, việc ra đời Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ góp phần tăng tính quản trị, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Đối với khu vực tư nhân, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đi vào hoạt động, cùng với các Thông tư, Nghị định đang triển khai và thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... với các yếu tố thuận lợi như vậy sẽ tạo đà cho kinh tế 2019 tăng trưởng.
Tuy nhiên, do độ mở của nền kinh tế lớn nên việc cạnh tranh của các quốc gia ngày càng khốc liệt. Trong khi doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; nền nông nghiệp chưa hiện đại, vẫn chủ yếu là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sẽ yếu thế hơn trong cạnh tranh khi hợp tác ký kết với nước ngoài.
Bên cạnh đó, một thách thức rất lớn nữa là nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều bất ổn và khó lường. Kinh tế một số nước như Nhật Bản hay châu Âu những tháng gần đây đang chững lại và đi xuống; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; chính sách bảo hộ mậu dịch đang có những rào cản nhất định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.
Như vậy, với đất nước có độ mở của nền kinh tế lên đến 200% như Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động, đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý. Quan trọng nhất là chúng ta phải nâng cao năng lực có thế mạnh. Cụ thể như lĩnh vực nông nghiệp, du lịch... cần phải được đầu tư, chăm chút nhiều hơn, giữ được nền tảng và luôn nắm chắc lợi thế này.
Ngoài ra, đối với đầu tư nước ngoài Việt Nam cũng đang là một điểm đến, nhưng cũng phải lường trước các rủi ro về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và dòng chảy ngược có thể rút ra. Do đó, vấn đề quan trọng là phải có các đối sách cho những rủi ro có thể xảy ra; đồng thời phát huy tiềm lực của mình. Có như vậy thì kinh tế mới có bước tăng trưởng bền vững.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Thuận lợi và thách thức đan xen
Trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra, tôi cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng của Quốc hội ở mức từ 6,6 - 6,8% là phù hợp. Bởi các động lực gồm: khu vực công nghiệp và xây dựng, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục được kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng.
Năm 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của nền kinh tế trong năm 2018, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Với chính sách thay thế nhập khẩu mới được ban hành, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng đồng đều hơn, thay vì chỉ phụ thuộc vào ngành điện tử như giai đoạn trước đây.
Bên cạnh đó, tiêu dùng của dân cư sẽ là nhân tố chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhờ du lịch tăng mạnh, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá. Tăng trưởng tiêu dùng dân cư tiếp tục khả quan nhờ thu nhập của người dân được cải thiện và gia tăng tầng lớp trung lưu.
Tiết kiệm giảm xuống, cho thấy các chính sách kích cầu đang phát huy hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đà tăng của giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn năm 2018.
Đồng thời, cơ hội từ bối cảnh bên ngoài và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới góp phần tạo không gian phát triển mới, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến cho xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác nhanh hơn, qua đó tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài.
Các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết như CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không chỉ là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho Việt Nam thông qua cắt giảm thuế quan mà còn tạo sức ép để đẩy nhanh cải cách thể chế trong nhiều lĩnh vực cam kết như: mở cửa thị trường, lao động, sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện với quyết tâm cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Động lực này dựa trên 8 trọng tâm là: bảo đảm bền vững các cân đối lớn của nền kinh tế và ổn định tài chính; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại 3 trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng; Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thu hút hợp lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế, nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả; Phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ; Triển khai quyết liệt mạnh mẽ cuộc cách mạng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.