Buổi hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết về nền kinh tế số, thực trạng, vai trò, tác động, thách thức và cơ hội để các cơ quan quản lý đưa ra được những chính sách theo kịp sự phát triển của nền kinh tế số, hướng tới tăng trưởng và kết nối bền vững trong khu vực.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong việc tận dụng lợi thế của kinh tế số trên nhiều khía cạnh khác nhau như: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, đối mới công nghệ,…
Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng Hải, kinh tế số mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội cho các nền kinh tế thay đổi và thực hiện tốt hơn các hoạt động kinh tế, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, giúp thúc đẩy GDP trên toàn cầu. Kinh tế số cũng có thể giúp các quốc gia tăng năng suất, hiệu quả và tính minh bạch trong thương mại quốc tế.
Ông Hải cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng cách mạng công nghệ số sẽ mang lại cho nền kinh tế các tiềm năng và thúc đẩy sự sáng tạo. Chính vì vậy, kinh tế số sẽ được áp dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, kinh tế số giúp doanh nghiệp có thể vươn ra toàn cầu, từ đó tiếp tục theo đuổi quá trình về tự do hóa thị trường.
Tuy nhiên, các chính phủ và người dân cũng phải thay đổi cách thức tiếp cận để gặt hái được tiềm năng từ kinh tế số. Theo đó, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với sự khác biệt liên quan đến các quy định pháp lý, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin chưa đầy đủ trong việc thích ứng đối với chuyển đổi về công nghệ số.
Ngoài việc kỹ năng thích ứng chưa đầy đủ, còn có những rào cản về kinh tế xã hội, những vấn đề liên quan đến an ninh thông tin và tính minh bạch, cũng như sự thấu hiểu, khác biệt giữa các quốc gia trên thế giới.
Kinh tế số đang tạo ra những cơ hội, cũng như thách thức và các nhà lãnh đạo ASEM cũng nhận ra tầm quan trọng của việc kết hợp nhau để đưa ra giải pháp tiếp cận nhanh chóng đối với nền kinh tế số và thay đổi về công nghệ.
Bà Jane TrendWell đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, WB rất quan tâm đến vấn đề kinh tế số với 2 mục đích là xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu và đảm bảo sự thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia.
Phát triển nền kinh tế số sẽ tạo ra sự thay đổi cuộc sống của người dân. Năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu có giá trị 1,5 nghìn tỷ USD, tương đương với 15,5% GDP của thế giới và đang được kỳ vọng sẽ nâng lên tới mức 25% GDP của thế giới trong thập kỷ tới.
Khi tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, người lao động cần phải đổi mới để thích nghi vì liên quan đến kỹ năng, kiến thức và các phương thức kinh doanh truyền thống trước đây cũng chuyển sang các môi trường số. Việc này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động.
Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ Đào Ngọc Chiến cho rằng, nền kinh tế số dựa trên các công nghệ kỹ thuật số, được đan xen với nền kinh tế truyền thống. Các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để tạo ra việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Ông Chiến cũng nêu các cơ hội của nền kinh tế số đối với doanh nghiệp đó là doanh nghiệp có thể dễ dàng phát triển liên kết thương mại với người tiêu dùng thông qua nền tảng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cũng thuận tiện trong việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ thanh toán, bảo hiểm và dịch vụ ngân hàng...; tham gia vào việc phát triển hạ tầng số.
Đối với Chính phủ, nền kinh tế số giúp thúc đẩy môi trường thương mại bền vững; trong đó, khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh; đảm bảo tính ổn định và khả năng dự báo của môi trường chính sách, pháp luật...