Triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn thiếu đồng bộ

Hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch được coi là tất yếu trước sự thay đổi của nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch được nhìn nhận chưa đồng bộ, mạnh ai người đó làm.

Tránh loạn ứng dụng

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình cho biết, trên thế giới, ngành du lịch đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch đã đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Do vậy, hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất đang được các doanh nghiệp du lịch tại Ninh Bình là thông qua các website đơn vị, qua cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch Ninh Bình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình, các hình thức quảng bá qua Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo, Email...

Chú thích ảnh
Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ mô hình 3D để giới thiệu đến du khách.

Tuy nhiên có một thực tế, thông tin đang chia lẻ và mạnh ai người đó làm. “Cụ thể như trang web giới thiệu về du lịch trên địa bàn tồn tại 3 trang riêng biệt về văn hoá, về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn cũng giới thiệu ứng dụng, app với mục tiêu thu hút khách nhưng thực tế có tồn tại trên mạng tương tác với người dùng ra sao và khách không biết. Muốn dùng thì khách phải tải aap xuống, tình trạng này sẽ dẫn đến mỗi điểm đến du lịch lại phải cài app sẽ rất khó để du khách sử dụng vì lại phải mày mò tìm hiểu. Do đó cần có sư thống nhất, tránh loạn app, ứng dụng du lịch vì thực tế khách không cài nhiều ứng dụng vào máy”, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.

Hiện nay, Sở Du lịch Ninh Bình đang xây dựng dữ liệu về các điểm đến, dịch vụ du lịch.  “Từ cấp độ địa phương, chúng tôi mong Tổng cục Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số ở cấp độ địa phương. Theo đó, Trung ương phần việc nào, địa phương những gì, vấn đề nào làm trước. Có như vậy mới thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh tình trạng lãng phí, mỗi nơi làm một kiểu”, ông Bùi Văn Mạnh đề nghị.

Có một thực tế hiện nay, doanh nghiệp du lịch du lịch đều nhận thấy cần thực hiện chuyển đổi số nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào. “Đơn cử như ở Ninh Bình có trên 700 cơ sở, đơn vị làm dịch vụ du lịch, nhưng hầu hết dùng ứng dụng nước ngoài ngoài với phí khi booking (đặt dịch vụ) thành công từ 10% đến 20%. Do đó, Việt Nam sớm có ứng dụng dùng chung hỗ trợ đơn vị làm dịch vụ”, ông Bùi Văn Mạnh nhận xét.

Đồng quan điểm này, ông Lê Trương Hiền Hoà, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề. Du lịch cũng không nằm ngoại lệ. Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch Thông minh, gần đây nhất đang triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý. Theo đó, Sở Du lịch đã triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch. Kho dữ liệu này được thiết kế và xây dựng trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau của thành phố phục vụ cho  4 đối tượng sử dụng là: khách du lịch, người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch nên có hướng dẫn tích hợp thông tin vào 1 ứng dụng, tránh tình trạng mỗi địa phương là 1 app và cuối cùng ít có sự tương tác, sử dụng từ du khách.

Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quyết Tâm, sáng lập ứng dụng Vietso, thành viên Uỷ ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa cho rằng: Ngành du lịch Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động số hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, những hoạt động này còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn.

“Tổng cục Du lịch và Bộ Thông tin Truyền thông sớm có hướng dẫn về bộ tiêu chuẩn chung cho chuyển đổi số du lịch như ngành thuế, hải quan… Có như vậy, các doanh nghiệp, sở du lịch sẽ có liên thông dữ liệu khi đã có sẵn nguồn dữ liệu”, ông Nguyễn Quyết Tâm đề nghị.

Sẽ xây dựng ứng dụng dùng chung

Trước tình trạng nhỏ lẻ, tự phát của ứng dụng nền tảng số trong phát triển du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết sẽ xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý Nhà nước trong thời gian tới, trong đó, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung.

Chú thích ảnh
Du khách có thể tự đặt phòng khách sạn không phải qua lễ tân tại một khách sạn ở Hà Nội.

“Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này, hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí”, ông Nguyễn Lê Phúc chia sẻ.

“Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được. Trên thực tế, thời gian qua, những tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, Viettel, FPT,… cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục du lịch để thực hiện công tác chuyển đổi số tại các điểm du lịch, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch”, ông Phúc cho biết.

Còn ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ phó phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, để xây dựng một nền tảng chung, một cơ quan Nhà nước đứng ra xây dựng sẽ rất khó, nhưng đối với một doanh nghiệp đứng ra xây dựng và hoạt động sẽ rất khả quan.

“Thực tế đã chứng minh, một nền tảng do các doanh nghiệp xây dựng, phát hành sẽ có nguồn dữ liệu dồi dào, và mang lại giá trị lan tỏa, khi thu hút được người dùng và Zalo là một ví dụ tại Việt Nam. Hầu hết các nền tảng hiện nay đều hình thành và phát triển tự nhiên, nền tảng tốt hay không, người dân, du khách sẽ là người bình trọng”, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết.

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, với nguyên tắc “rõ người, rõ việc” đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Trong số này có 2 nền tảng thuộc ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch, là Nền tảng quản trị kinh doanh du lịch và Nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích.

Theo ông Nguyễn Trong Đường, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia có 2 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Phát triển nền móng cho kinh tế số và xã hội số với 9 yếu tố nền móng (Thể chế số; Hạ tầng số; Nền tảng số; Dữ liệu số; Nhân lực số; Kỹ năng số; Doanh nghiệp số; Thanh toán số; An toàn an ninh mạng) và Phát triển kinh tế số và xã hội số ngành lĩnh vực trọng điểm với 7 lĩnh vực (Kinh tế số Nông nghiệp; Y tế số; Giáo dục số; Đời sống lao động, việc làm và an sinh xã hội; Kinh tế số thương mại, công nghệ và năng lượng; Kinh tế số Du lịch; Kinh tế số tài nguyên và Môi trường).

Như vậy, kinh tế số Du lịch là một trong bảy lĩnh vực cấu thành nên kinh tế số, xã hội số thúc đẩy chuyển đổi số. Về nhiệm vụ phát triển kinh tế số du lịch, chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực. Cụ thể, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch tập trung mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; Tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; Phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch.

Với nền tảng dữ liệu số du lịch, Nhà nước dẫn dắt, doanh nghiệp du lịch làm nòng cốt và khách du lịch tham gia thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở; Phân loại và số hoá tài nguyên du lịch.

“Hệ sinh thái số du lịch không chỉ đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm du lịch, vì vậy, qua các ứng dụng trên nền tảng số để đưa kinh tế số du lịch đến từng người dân”, ông Nguyễn Trọng Đường chia sẻ.

XM/Báo Tin tức
Thanh tra, kiểm tra điện tử - phương thức mới ngăn chặn trục lợi BHXH, BHYT
Thanh tra, kiểm tra điện tử - phương thức mới ngăn chặn trục lợi BHXH, BHYT

Thanh tra, kiểm tra điện tử đang là một trong những phương thức mới giúp giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN