Theo các hộ trồng nhãn Hưng Yên, các năm trước trung bình nhãn ngon có giá từ 35 - 60 nghìn đồng/kg, nhãn đại trà từ 15 - 30 nghìn đồng/kg; nhãn làm long từ 10 - 12 nghìn đồng/kg. Đầu vụ này, nhãn trà sớm vẫn may mắn giữ giá như trước. Tuy nhiên, khi vào thời điểm chính vụ, giá nhãn tụt giảm mà vẫn khó bán.
Theo đó, nhãn ngon giá từ 20 - 35 nghìn đồng/kg; nhãn đại trà chỉ 12 - 18 nghìn đồng/kg; nhãn làm long chỉ còn từ 7 - 9 nghìn đồng/kg, thậm chí ở các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ chỉ ở mức 3 - 5 nghìn đồng/kg mà vẫn khó bán. Nhiều nơi, giá nhãn từ 20 nghìn đồng/kg chỉ còn dưới 10 nghìn đồng/kg, bà con phải đưa vào lò sấy long. Hàng loạt lò sấy được mở thêm hoạt động hết công suất, ngày đêm đỏ lửa, nhà nhà tất bật bóc nhãn xoáy long vẫn không xuể.
Ông Nguyễn Văn Phi ở xã Tiền Phong, huyện Ân Thi cho biết, năm nay giá nhãn giảm một nửa, nhãn ngon của gia đình năm trước bán khoảng 40 - 50 nghìn đồng/kg, năm nay chỉ còn 20 nghìn đồng/kg. Còn với nhãn đại trà các năm trước đây bán hơn 20 nghìn đồng/kg, năm nay khó bán, đành phải giải quyết tình thế đưa vào lò sấy long nhãn.
Tương tự, ông Lương Thế T. ở xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ rầu rĩ than, vườn nhãn của gia đình có 2 tấn, phần nhiều là giống T6, nếu các năm trước bán hơn 20 nghìn đồng/kg thì năm nay chỉ bán cho lò sấy long nhãn, giá chỉ 9 nghìn đồng/kg, thu bù chi và coi như không có lãi. Ông T. cho biết, như vậy cũng là may mắn hơn các hộ khác, nhiều nhà bán rẻ hơn mà vẫn khó khăn.
Theo ông Phạm Xuân Khởi, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Hoàng Hanh, thành phố Hưng Yên, năm nay nhãn dù to hay nhỏ, đẹp hay không đẹp và dù ngon thế nào thì bà con Hoàng Hanh cũng đưa tất vào lò sấy long và coi như "lấy công làm lỗ".
Theo tính toán, mỗi kg nhãn xuất quả mọi năm có giá từ 25 - 30 nghìn đồng, nay đưa vào sấy long thì "hòa cả làng", vì nhãn sấy long nhãn giá chưa đến 10 nghìn/kg. Hơn nữa, giá long nhãn hiện tại chỉ ở mức 130 - 150 nghìn đồng/kg; mỗi kg long nhãn cần từ 8 - 10 kg quả tươi, cùng với chi phí cho công bẻ nhãn, bóc vỏ, xoáy hạt, nhiên liệu lò sấy... thì coi như không có lãi. Với nhãn ngon mà đem sấy long thì còn lỗ nặng, nhưng không còn cách nào khác.
Tại huyện Khoái Châu, theo cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, năm nay giá nhãn bị xuống thấp nhiều hơn năm ngoái, chỉ từ 6 -10 nghìn đồng/kg do dịch bệnh COVID-19 nên khó tiêu thụ. Ông Chu Văn Vang, chủ vườn nhãn có thâm niên ở xã Bình Minh cho biết, mọi năm trước nhãn quả tươi xuất quả bán buôn thấp nhất cũng có giá 15 nghìn đồng/kg, năm nay giảm một nửa, có lúc còn 3 nghìn đồng/kg cũng khó bán, chỉ còn cách duy nhất là đưa vào lò sấy long. Cũng theo ông Vang, với giá nhãn rẻ như năm nay, một số hộ đang chặt bỏ nhãn chuyển sang trồng dược liệu.
Trước thực tế trên, báo chí phản ánh việc bà con than nhãn mất mùa và giá giảm ở mức thấp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho là không đúng và việc phản ánh như vậy là "đi ngược với chính sách chung...".
Một lãnh đạo Sở Công Thương cũng khẳng định: Không có chuyện giá nhãn chỉ từ 3 - 5 nghìn/kg, không có chuyện nhãn không bán được, chỉ có giá bán không theo kỳ vọng của người trồng nhãn.
Về chuyện nhãn mất mùa do thời tiết như nông dân phản ánh, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, không thể đổ cho mất mùa là tại thiên tai. Mất mùa ngoài yếu tố ngoại cảnh còn do kinh nghiệm tích lũy của người trồng nhãn chưa được phát huy, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để không lệ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Trong khi đó, các hộ trồng nhãn có thâm niên ở thành phố Hưng Yên khẳng định, nếu gặp thời tiết bất thuận thì kinh nghiệm hay kỹ thuật gì đi nữa cũng "bó tay". Dù có tính toán kỹ lưỡng nhưng khi trời mưa nắng thất thường cũng vẫn thất bại. Cụ thể như việc áp dụng kỹ thuật để nhãn ra hoa, đậu quả thì không khó, nhưng nếu đúng dịp hoa trổ bông mà gặp trời mưa thì "coi như xong", hoa sẽ thui. Đến khi đậu quả nếu mưa nắng không thuận thì quả cũng hỏng...
Bài cuối: Giấc mơ mùa quả ngọt