Na, nhãn chính vụ Hải Dương khó tiêu thụ

Dù thời điểm này đang là chính vụ na và nhãn của thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương song do dịch bệnh, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết với doanh nghiệp, vận chuyển cũng như tiêu thụ các nông sản chính vụ này.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Cúc bên vườn na trong đợt thu hoạch ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 

Diện tích na tại thành phố Chí Linh khoảng 839 ha với sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở các phường Bến Tắm, Hoàng Tân, Hoàng Tiến... Na Chí Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Na Chí Linh" từ năm 2016.

Gia đình Chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn Trường Quan, phường Bến Tắm, thành phố Chí Linh cho biết, mọi năm giá na từ 18 - 25 nghìn đồng/kg nhưng năm nay giá na chỉ bán được từ 10 - 12 nghìn đồng/kg. Do dịch bệnh na không tiêu thụ được, trong khi giá lại rẻ hơn mọi năm, trồng cũng tốn nhiều công chăm sóc và chi phí nên vụ na năm nay gia đình đang bị lỗ nặng.

Chưa kể, mọi năm thương lái về tại vườn thu mua vận chuyển đi tiêu thụ ở Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... nhưng năm nay gia đình chị phải tự chở đi bán nhỏ lẻ mà số lượng tiêu thụ cũng chậm hơn mọi năm. Có nhiều lần gia đình chị chở na đi Quảng Ninh nhưng không vào được do thực hiện phòng chống dịch nên lại phải quay về.

Chị Cúc bộc bạch, na là sản phẩm phải sử dụng trong thời gian nhất định nếu để lâu sẽ kém chất lượng. Thời điểm na chín mà không tiêu thụ được gia đình cũng không biết làm thế nào. 

Anh Hà Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bến Tắm cho biết, trên địa bàn phường có trên 200 ha trồng na. Để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ, địa phương đã kêu gọi các tư thương và doanh nghiệp thu mua na cho người dân. Hiện người dân đã thu hoạch được 70% sản lượng nhưng ước chừng số na tồn đọng lại khoảng vài trăm tấn. Thực tế, na là cây trồng dài ngày nên dù có thể thua lỗ vụ này nhưng người dân vẫn tiếp tục phải chăm sóc để cho vụ sau. Nếu chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, năng suất na vụ sau sẽ thấp, chất lượng quả sẽ kém.

Không chỉ có Na, sản phẩm nhãn Chí Linh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Gia đình chị Nguyễn Thị Thái ở phường Bến Tắm có trên 1 ha nhãn đang độ chín và cho thu hoạch nhưng đến nay mới tiêu thụ được 2 tấn quả, còn tồn khoảng 10 - 13 tấn.

Theo chị Thái, do dịch bệnh nên lái buôn không đến thu mua được như mọi năm. Gia đình chị chủ yếu bán nhỏ lẻ tại các chợ ở Hải Dương nhưng số lượng không đáng là bao. Năm nay, giá nhãn đẹp chỉ 5 - 10 nghìn đồng/kg mà cũng không có người mua.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Thái đang lo lắng về đầu ra cho vườn nhãn nhà mình. 

Theo Hội Nông dân thành phố Chí Linh, diện tích nhãn của thành phố là 740 ha, sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Thành phố đã có 4 vùng nhãn xuất khẩu với diện tích 52 ha, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản...

Anh Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa Hải Dương cho biết, năm nay do dịch bệnh nên việc tiêu thụ sang các thị trường như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không thì phí vận chuyển cao gấp đôi. Hàng xuất khẩu phải quá cảnh qua nhiều nước nên càng đội chi phí vận chuyển. Ngoài ra, các đơn hàng đường biển bị chậm trễ nên giá thành rất cao. 

Anh Cảnh mong muốn, các cơ quan chức năng quan tâm đến xuất khẩu nông sản vì các mặt hàng như nhãn liên quan đến mùa vụ. Đặc biệt với những tỉnh có sản lượng nông sản lớn, các cơ quan chức năng có sự quan tâm hơn nữa đến sơ chế, bảo quản cũng như dự trữ để giảm áp lực thời vụ tăng giá trị hàng nông sản. Đồng thời, xem xét việc giảm giá cước vận tải để hạ giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh với nông sản các nước khác. 

Ông Nguyễn Như Nguyện, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Chí Linh chia sẻ, thành phố cũng như các cơ quan chức năng đang tích cực tìm đầu ra cho quả na và nhãn cũng như các nông sản khác, từ đó giúp người dân có thu nhập ổn định trong thời gian dịch bệnh.

Tiến Vĩnh (TTXVN)
Khai thông tốt luồng xanh cho đường thủy vận chuyển nông sản
Khai thông tốt luồng xanh cho đường thủy vận chuyển nông sản

"Luồng xanh" dành cho giao thông đường bộ đã được vận hành từ 1 tháng nay đang góp phần giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ về Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế phía Nam thuận lợi trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN