Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhấn mạnh, kết quả giấy xét nghiệm test nhanh hay Realtime RT-PCR đều có giá trị như nhau và hiệu lực trong 72 giờ. Đây là quy định tại văn bản 5886 ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế và văn bản 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Vừa qua, một số địa phương yêu cầu bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR, không chấp nhận khi chỉ có giấy test nhanh COVID-19 đối với lái xe khi qua chốt là vượt quá quy định. Ngoài ra, có địa phương chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm COVID-19 chỉ 24 giờ hay 48 giờ đều không đúng quy định, gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Đối với các xe chở hàng hóa, nếu có mã QR Code, quét bằng điện thoại thông minh, có đầy đủ thông tin về khai báo y tế thì các trạm kiểm soát phải cho lưu thông ngay. Chỉ dừng kiểm tra những xe chưa có thông tin khai báo đầy đủ. Các hàng hóa không cấm đều được phép vận chuyển.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, các mã QR Code chỉ là để được ưu tiên lưu thông nhanh chứ không phải bắt buộc. Các phương tiện không có mã QR Code thì buộc dừng thực hiện kiểm tra y tế, khai báo y tế mới được lưu thông.
Theo ông Khuất Việt Hùng, các tỉnh, thành phố nên có một văn bản thống nhất ban hành xuống cấp xã, phường.
Đối với vận chuyển đường thủy, các tỉnh, thành phố cần bố trí các điểm test nhanh COVID-19 tại các cảng hoặc các chốt, công bố số điện thoại và thông báo cho các lái xe biết.
Với “xã đỏ”, “ấp đỏ” do có người nhiễm COVID-19, ông Khuất Việt Hùng đề nghị địa phương tổ chức thu hoạch nông sản, bố trí điểm tập kết nông sản để các phương tiện vận tải đến bốc xếp và vận chuyển nhanh gọn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an đề nghị các tỉnh, thành phố không lập chốt kiểm tra, dừng phương tiện giao thông trên các tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1. Các tỉnh, thành phố chỉ dừng phương tiện kiểm tra trên các chốt vào nội địa của địa phương.
Các xe chở nông sản từ Tây Nam Bộ ra các tỉnh biên giới để xuất khẩu, thời gian vận chuyển dài, trên đường họ không tiếp xúc ai vì nhiều tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy nên có nới thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 cho lái xe đường dài; áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến”, có các điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 trên các tuyến Quốc lộ huyết mạch trên cả nước, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đề xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác phía Nam của Bộ đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn Bộ Giao thông Vận tải và các bộ đã giúp giải quyết tháo gỡ những ách tắc giao thông ở một số công đoạn còn tồn tại. Các đơn vị của các bộ đã giúp cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiểu thêm vai trò và trách nhiệm của mình, phối hợp chặt với Sở Giao thông vận tải các địa phương giải quyết những vấn đề ách tắc trong vận chuyển nông sản từ nội tỉnh hay ranh giới giữa các tỉnh.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn 690 nghìn ha lúa Hè Thu, thu hoạch từ nay đến giữa tháng 9. Việc thu hoạch lúa, nhất là đối với lúa Hè Thu không để chậm trễ vì đang mùa mưa, hạt thóc sẽ nhanh hư hỏng. Do vậy, vấn đề vận chuyển và đưa nhân công, máy móc thu hoạch rất quan trọng.
Đối với sản phẩm thủy sản cũng không để dưới ao lâu vì sẽ quá lứa, các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất thu hoạch, thu mua, vận chuyển sản phẩm nhanh chóng.
“Tinh thần là khó đến đâu tháo gỡ đến đó, các Sở Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế từng địa phương phối hợp thực hiện. Nếu còn vướng mắc thì đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh tháo gỡ. Các vấn đề liên quan đến liên vùng cả nước thì kiến nghị tới các Tổ công tác của các bộ để có giải pháp phù hợp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu quan điểm.