Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, cùng với việc biên soạn và cấp phát 26.000 bộ tài liệu hướng dẫn hộ chăn nuôi trong tỉnh cách nhận biết, phòng và chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp tỉnh kêu gọi người dân cùng vào cuộc khống chế dịch bệnh và kiên quyết thực hiện "5 không" là: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Tỉnh đẩy mạnh kiểm dịch, nhất là tại các địa phương giáp ranh với các tỉnh khác. Ngoài 4 chốt kiểm dịch ở 3 tuyến Quốc lộ 53, 54, 60, tỉnh thành lập thêm 18 chốt kiểm dịch tạm thời tại các trục lộ giao thông chính, các bến đò, bến phà giao thương với các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng…
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng tăng cường lực lượng chức năng hỗ trợ 2 huyện Càng Long và Cầu Kè (địa phương giáp ranh với tỉnh Vĩnh Long- tỉnh đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi) trong kiểm dịch.
Những ngày qua, đội ứng phó nhanh ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh cũng tăng cường kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh dịch tại các địa phương; các chốt kiểm dịch và các cơ sở giết mổ lợn tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; nhắc nhở chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát giết mổ và kiểm soát chặt lợn trước khi nhập vào cơ sở.
Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, tỉnh Trà Vinh có tổng đàn lợn gần 250.000 con. Do đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, thêm nữa bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, chưa có vắc xin phòng bệnh, lại lây lan nhanh nên công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị nên lợn mắc bệnh này khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn đến người chăn nuôi.
Tuy vậy, bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên ngành nông nghiệp tỉnh kêu gọi người dân không nên tẩy chay thịt lợn, tránh việc người chăn nuôi gặp "khó chồng thêm khó".