TP Hồ Chí Minh đề xuất thu phí sử dụng kết cấu cảng biển và duy tu luồng hàng hải

Triển khai các giải pháp đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách; trong đó có việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, dự án liên quan đến cảng biển, luồng hàng hải, UBND TP Hồ Chí Minh vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nạo vét, duy tu luồng hàng hải Soài Rạp nhằm duy trì cao độ đáy luồng -9m cho giai đoạn 2021- 2025 theo 2 phương án.

Chú thích ảnh
Thi công nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Cụ thể, theo phương án 1, UBND Thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp và bố trí nguồn kinh phí 227 tỷ đồng/năm để thực hiện. Phương án 2 sẽ do UBND Thành phố chịu trách nhiệm tiếp tục nạo vét, duy tu như đã được giao thực hiện thí điểm. Nếu phương án này được thông qua, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND Thành phố xây dựng quy trình để thực hiện duy tu, nạo vét luồng Soài Rạp đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang.

Trước đó, vào tháng 8/2017 Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND TP Hồ Chí Minh thí điểm thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp và sử dụng toàn bộ kinh phí này để duy tu, nạo vét. Trong năm 2019 và 2020, Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán chi ngân sách nhà nước nguồn phí 65 tỷ đồng cho TP Hồ Chí Minh thực hiện nạo vét, duy tu Soài Rạp.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, cơ chế thí điểm giúp Thành phố tiếp nhận nguồn thu phí đảm bảo hàng hải và chủ động bố trí ngân sách Thành phố bổ sung để duy tu, nạo vét luồng Soài Rạp nhằm duy trì cao độ đáy luồng -9m, đảm bảo cho tàu 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải lưu thông an toàn trên luồng Soài Rạp. Đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các khoản thu cho các doanh nghiệp dịch vụ công ích, dịch vụ hàng hải trong khu vực thông qua việc thu các khoản thuế, phí hoạt động cảng biển…

Tuy nhiên, hiện nay phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp không đủ để thực hiện duy tu, ngân sách Thành phố phải bù thêm một khoản khá lớn. Dự toán để duy tu, nạo vét toàn tuyến luồng Soài Rạp có cao trình đáy luồng -9m cần tới hơn 400 tỷ đồng. Số thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp thực sử dụng để duy tu, nạo vét chỉ có gần 43 tỷ đồng trong năm 2019 và gần 23 tỷ đồng trong năm 2020. Như vậy ngân sách Thành phố sẽ bù thêm một khoản hơn 335 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề thu phí, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, vừa qua Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã hoàn tất xây dựng đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố.

Theo đề án, đối tượng nộp phí là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP Hồ Chí Minh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá gửi kho ngoại quan mở tờ khai tại hải quan ngoài cửa khẩu tại các tỉnh, thành phố khác nhưng làm thủ tục chuyển cửa khẩu và thực hiện niêm phong hải quan tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến mỗi năm TP Hồ Chí Minh sẽ thu được khoảng 3.200 tỷ đồng; trong đó, đề xuất trích lại tối đa 5% đồng thời giao UBND Thành phố quyết định tỷ lệ cụ thể cho từng đơn vị có liên quan. Toàn bộ số thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng sau khi trừ đi chi phí phục vụ thu phí được nộp vào ngân sách Thành phố, giao Sở Tài chính quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng cảng biển theo danh mục đề xuất của Sở Giao thông Vận tải hàng năm được UBND và HĐND Thành phố thông qua.

Nếu được HĐND Thành phố thông qua vào tháng 12/2020 tới, dự tính thời gian thu phí sẽ chia làm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 tổ chức thu tại cảng Cát Lái đến hết ngày 31/5/2021. Trong thời gian này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện việc thu phí. Giai đoạn 2 thu phí từ ngày 1/6/2021 đối với toàn bộ các cảng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán chuyển khoản qua hệ thống 24/7 của Hải quan Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, sản lượng hàng hoá qua cảng biển Thành phố năm 2019 đạt 170,6 triệu tấn vượt quá sản lượng dự báo đến năm 2030 (145,4 – 159,9 triệu tấn).

Với khối lượng hàng hoá qua cảng biển và phương tiện cơ giới cá nhân tiếp tục tăng cao, nếu không có chính sách mạnh mẽ, kịp thời để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cảng biển sẽ khó giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại khu vực cảng Cát Lái mặc dù Thành phố đang áp dụng khung giờ giới hạn cho các loại xe tải ra vào thành phố để vận chuyển hàng hoá. Vì thế cần thiết phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, mở rộng và nâng cấp, bảo trì các tuyến đường hiện hữu để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hoá, góp phần tăng sức cạnh tranh cho hệ thống cụm cảng TP Hồ Chí Minh.

Mặt khác, hầu hết các cảng nằm sâu trong thành phố như Cát Lái, Tân Thuận, Hiệp Phước, Phú Hữu, Phước Long… trong khi không có đường chuyên dùng kết nối ra vào cảng, gây ùn tắc thường xuyên, tạo thành các điểm đen về tai nạn giao thông.

Bình quân thời gian quay vòng xe tải là 2 chuyến/ngày và xe container là 1,5 chuyến/ngày do hạ tầng khu vực cảng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có làn đường chuyên dùng, vận tốc khai thác thấp… Vận tải đường sắt không được kết nối trực tiếp với các cảng biển trong khi vận tải đường thuỷ nội địa còn nhiều hạn chế, chỉ mới khai thác một phần nhỏ tiềm năng.

Hiện nay, đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã lấy ý kiến của các chuyên gia, Hiệp hội vận tải hàng hoá, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh và nhận được ý kiến đồng tình, đề nghị làm rõ thêm nội dung so sánh mức thu, đối tượng, tính phí… trong khu vực cảng biển tại các địa phương khác để làm cơ sở thực tiễn khi triển khai. Sau khi hoàn thiện đề án, Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh để trình HĐND Thành phố trong kỳ họp diễn ra vào tháng 12/2020.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Hơn 1.460 tỷ đồng xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná
Hơn 1.460 tỷ đồng xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná

Chiều tối 25/8, tại khu vực biển Cà Ná, thuộc địa bàn xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) tổ chức lễ động thổ dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, giai đoạn 1. Đây là dự án động lực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận, với vốn đầu tư 1.463 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN