Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vững hành trang bước vào vận hội mới. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Chính vì vậy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tập trung hỗ trợ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, mở rộng sản xuất kinh doanh…
Không chạy theo số lượng
Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, thành phố cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi loại hình này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đối với nền kinh tế. Do vậy, cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho thấy, bên cạnh 281.000 hộ kinh doanh cá thể toàn thành phố, nằm ở địa bàn quận, huyện còn có các doanh nghiệp phát triển theo nhu cầu tự nhiên hàng năm.
Năm 2014, TP Hồ Chí Minh phát triển 25.000 doanh nghiệp, sang năm 2015 con số này tăng lên 31.300 và lên 36.300 doanh nghiệp trong năm 2016. Và trong năm nay, dự kiến số doanh nghiệp thành lập mới sẽ đạt khoảng 43.500.
Do đó, theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2017 khả năng hoàn thành chỉ tiêu 60.000 doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài ra, hiện thành phố có 302.000 doanh nghiệp hiện hữu đang hoạt động, vấn đề là phải củng cố để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Về phía UBND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định 4181/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Việc nâng hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp không phải chạy theo chỉ tiêu mà nhằm tạo điều kiện, tiếp sức hộ kinh doanh cá thể nâng quy mô phát triển.
Về mục tiêu và các giải pháp mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng đây là những mục tiêu khả thi và sẽ thực hiện được. Vấn đề là làm sao để có những doanh nghiệp phát triển bền vững, có thương hiệu, nhiều tập đoàn kinh tế mạnh làm đầu tàu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ cho những hộ kinh doanh cá thể này, giúp họ giải quyết những khó khăn về nguồn vốn, kỹ năng quản lý doanh nghiệp… thì sẽ dần cởi bỏ tâm lý e ngại không muốn chuyển lên doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cái doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết trong lúc này không chỉ có vốn, lao động, mặt bằng mà là môi trường kinh doanh được cải thiện, cải thiện thủ tục hành chính, xóa bỏ những rào cản vô lý của những quy định giấy phép con, giấy chứng nhận hay điều kiện kinh doanh rườm rà…
Cụ thể hóa chính sách phát triển doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương của thành phố, vừa qua Cục thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời thông tin liên quan về thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn gồm hai nhóm đối tượng doanh nghiệp là mới thành lập và được thành lập từ hộ kinh doanh cá thể.
Theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh, hiện nay các hộ kinh doanh cá thể thực hiện mức thuế khoán, tức có doanh thu hay không họ vẫn phải đóng mức thuế khoán đó.
Còn nếu lên doanh nghiệp, thực hiện kê khai thuế thì hẳn nhiên thủ tục sẽ khác hơn rất nhiều. Do đó, với mục tiêu không để doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn hay ngừng kinh doanh do thiếu thông tin về thuế, chương trình giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí liên quan đến thủ tục thuế, hạn chế tối đa các phiền hà cũng như giảm thiểu tối đa các sai phạm về thuế.
Các doanh nghiệp mới thành lập và thành lập từ hộ kinh doanh được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, thông qua trang tin điện tử với các nội dung về quy trình, thủ tục thuế, thủ tục hành chính…
Theo bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, để đạt mục tiêu 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, ngoài việc nuôi dưỡng nguồn đăng ký thành lập doanh nghiệp, việc nâng cao các chính sách hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp đang hoạt động là điều hết sức cần thiết.
Điều này sẽ góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo nên những doanh nghiệp lớn, nâng cao sức cạnh tranh, giảm được số doanh nghiệp giải thể, phá sản và góp phần tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, doanh nghiệp hiện hữu phát triển tốt sẽ có nhu cầu mở rộng các công ty con, mặt khác sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư, cá nhân mới gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp.
Ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết, quý I/2017 cả nước thành lập trên 26.700 doanh nghiệp, nhưng con số ngừng hoạt động, giải thể lên tới 23.000. So với bức tranh chung của cả nước, trong quý I/2017, TP Hồ Chí Minh thành lập 7.566 doanh nghiệp và số tạm ngừng, giải thể khoảng 1.300. Điều này cho thấy, thành phố đang có những chính sách đúng hướng, thật sự đi vào cuộc sống.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh đã mở lớp đào tạo khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, trong thời gian tới cũng sẽ chú trọng đến việc mở lớp đào tạo cho các đối tượng hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp…