Áp lực chi phí tăng cao
Theo ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, các tỉnh thành phố phải vừa tập trung phòng chống dịch, nhưng cũng phải đảm bảo mục tiêu kép là phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đối với TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, việc phòng chống dịch hiện là nhiệm vụ ưu tiên số 1. Mục tiêu đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân đang được đặt lên trên hết. Do đó, việc duy trì sản xuất tối thiểu phải đảm bảo nguyên tắc, nơi nào an toàn mới được tổ chức sản xuất.
Theo đó, kể từ ngày 15/7, các doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất, bắt buộc phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” và “một cung đường hai địa điểm”. Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo thực hiện hợp đồng, uy tín khách hàng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo các yêu cầu “3 tại chỗ” theo quy định phòng dịch.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại các doanh nghiệp cho thấy, việc áp dụng “3 tại chỗ” cũng khiến khó khăn của doanh nghiệp gia tăng, nhất là chi phí của doanh nghiệp bị đội lên rất lớn. Các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” phải tự bỏ tiền để xét nghiệm cho công nhân, nhân viên định kỳ 7 ngày/lần. Đồng thời, doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều tiền để trang bị các thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ cho công nhân. Trong khi đó, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn do doanh nghiệp nằm trong khu vực bị phong tỏa, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc đối tác thanh toán chậm…
Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, do đặc thù là ngành có số lượng lao động đông nên rất khó bố trí sản xuất “3 tại chỗ”. Hiện chỉ có khoảng từ 10 - 15% số doanh nghiệp ngành dệt may đang nỗ lực duy trì sản xuất, với công suất hoạt động từ 35 - 40%.
Việc gián đoạn sản xuất khiến đầu ra và dòng tiền của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng rất nặng nề. Một số doanh nghiệp không có nguồn tiền để tạm ứng trả lương cho công nhân trước khi có hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi, nhiều hợp đồng thư tín dụng (L/C) với đối tác nước ngoài đến hạn phải thanh toán. Đó là chưa kể, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch như xét nghiệm, bố trí vật dụng, thiết bị cần thiết để duy trì “3 tại chỗ”… không phải là con số nhỏ.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh cũng cho biết, bên cạnh yếu tố tâm lý của người lao động, việc áp dụng “3 tại chỗ” khiến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đội lên cao. Những điều này khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì kéo dài việc sản xuất “3 tại chỗ”.
Trong một khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho thấy, 86% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh COVID-19, do phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch, tiếp cận thị trường, nguồn nguyên liệu… Đặc biệt, thiếu vốn kinh doanh vẫn là vấn đề “đau đầu” tại nhiều doanh nghiệp.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn hiện hữu của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn đang được chính quyền thành phố tập trung triển khai, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tại Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện đơn vị này đã nhận hồ sơ đối với doanh nghiệp muốn vay vốn để trả lương cho lao động ngưng việc hoặc trả lương khi phục hồi sản xuất theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh, điểm mới đáng lưu ý trong chính sách hỗ trợ lao động lần này, đó là cho phép doanh nghiệp vay vốn trả lương lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh, trong khi trước đó chỉ cho doanh nghiệp vay trả lương lao động ngưng việc.
Cụ thể, việc cho vay trả lương khi phục hồi sản xuất kinh doanh có hai dạng vay. Đó là, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng chống dịch; và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Riêng nhóm đối tượng thứ 2, các doanh nghiệp không cần có yêu cầu ngừng việc, chỉ cần có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và đủ điều kiện thì được phép cho vay.
“Các doanh nghiệp hưởng ưu đãi sẽ được vay vốn với lãi suất 0% mà không cần tài sản thế chấp. Thời hạn vay vốn không quá 12 tháng, mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng cho một lao động và một lao động không được vay quá 3 tháng. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một chính sách hỗ trợ rất lớn và thiết thực giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Trần Văn Tiên cho biết.
Với điều kiện cho vay “dễ thở” hơn, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ sau hơn một tuần khởi động, đến ngày 19/7, đơn vị đã hướng dẫn hồ sơ cho 8 doanh nghiệp vay để trả lương cho hơn 3.000 lao động với số tiền đề nghị vay 13 tỷ đồng.
Một chính sách hỗ trợ khác cũng được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong đợt này, đó là chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; và Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 7, tổng số doanh nghiệp xin gia hạn và được chấp nhận là 58.282 doanh nghiệp cùng 17.453 hộ kinh doanh và cá nhân, với tổng số tiền là 14.520 tỷ đồng.
Bên cạnh các chính sách trên, ngành ngân hàng thành phố cũng đang tập trung triển khai và tháo gỡ các khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện ngành ngân hàng đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là triển khai đạt hiệu quả cao nhất Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Song song đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành ngân hàng sẽ đưa ra nhiều giải pháp thực thi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, dễ dàng, nhất là các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay giữa Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại vừa được ký kết, đảm bảo sự đồng thuận này đi vào cuộc sống và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhất.
Hiện tổng dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng với gần 400.000 khách hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận và xử lý 778 trong số 790 trường hợp khó khăn của doanh nghiệp được gửi về từ các sở ngành. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn thông qua tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với dư nợ 107.315 tỷ đồng cho 12.357 khách hàng…
Theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả cùng với việc đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine toàn dân. Bởi làm tốt điều này cũng chính là góp phần quyết định ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch kéo dài, các chính sách hỗ trợ cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện hơn nữa để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ổn định dòng tiền, duy trì sản xuất kinh doanh tối thiểu. Từ đó, góp phần tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng, ổn định sinh kế lâu dài cho người dân, doanh nghiệp.