Đây là nội dung được nhiều đại biểu, doanh nghiệp nhấn mạnh tại chương trình Tọa đàm khôi phục và phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 3/10.
Doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh thông tin: Về cơ bản, Tp. Hồ Chí Minh đã trở lại nhịp sống bình thường mới, đây là một thành quả rất to lớn, là công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp ở các quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, mặt trái của cuộc chiến phòng, chống dịch đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thành phố, trong đó làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đã làm kinh tế thành phố quay lại vòng khó khăn khi vừa mới chớm phục hồi.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.
Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết: Kết quả khảo sát nhanh của HUBA vào giữa tháng 8/2020 với phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng, cơ khí, nhựa, hóa chất cho kết quả như sau: Chỉ có 5% số doanh nghiệp đã chuyển về trạng thái hoạt động bình thường, 9% số doanh nghiệp bắt đầu vượt qua khó khăn và có đến 84% doanh nghiệp còn khó khăn và rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, 40% số doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 14% số doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, 88% số doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường. Bên cạnh đó, 52% số doanh nghiệp cho biết sẽ phải tiếp tục cắt giảm lao động. Về định hướng thời gian tới, 64% doanh nghiệp cho rằng sẽ phải tự lực cánh sinh mà không nhờ đến sự hỗ trợ, 60% nghĩ đến chuyện tìm giải pháp tiếp tục cắt giảm chi phí để tồn tại, 37% thu hẹp quy mô kinh doanh và 11% sẽ phải tạm ngưng hoạt động.
Một khảo sát quy mô rộng hơn cho thấy, sau hai đợt dịch COVID-19, có khoảng 10-15% doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động có hiệu quả, tăng trưởng dương; khoảng 20% doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định nhưng ở mức độ thấp nhằm đảm bảo duy trì được năng lực sản xuất cốt lõi, chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, chờ đợi thời cơ mới.
Khoảng từ 40-50% các doanh nghiệp có dấu hiệu cạn kiệt, suy yếu nghiêm trọng đặc biệt là về tài chính và nguồn nhân lực do thị trường bị thu hẹp quy mô, không ổn định, nguồn cung ứng bị đứt gãy, thiếu hụt dòng tiền dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, hoặc bị thua lỗ. Đặc biệt, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng đến nay ước tính có trên 20% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do khả năng tích lũy thấp, không đủ năng lực và điều kiện để tiếp tục hoạt động đã phải ngừng sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa.
“Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành và Thành phố đã sớm ban hành các chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp nhưng theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp việc triển khai các chính sách hỗ trợ vừa qua chưa mang tính “thời chiến”, chưa sát với thực tế nhu cầu và hoàn cảnh của doanh nghiệp. Ngoài chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, chưa có thông tin doanh nghiệp nào được vay tiền không tính lãi hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có doanh nghiệp nào được giảm các loại phí, lệ phí. Vấn đề mấu chốt nằm ở điều kiện cho vay và thủ tục cho vay chưa được thuận lợi đối với doanh nghiệp”, ông Chu Tiến Dũng phân tích thêm.
Tạo động lực cho phục hồi
Để đẩy nhanh tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đưa ra tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 với tinh thần đồng hành cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh.
Song song đó, đẩy mạnh các chương trình kích cầu trong nước như du lịch, các chương trình chi tiêu mua sắm, các gói đầu tư công, mua sắm của nhà nước… để phát triển mở rộng tổng cầu thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng quy mô các nhà máy chế biến nông sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, các ngân hàng cần cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền; ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường.
Về lâu dài, Thành phố cần nghiên cứu hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và chuyển đổi mạnh sang môi trường số hóa; tạo điều kiện để giảm mạnh chi phí sử dụng dịch vụ số. Các giao dịch, thủ tục hành chính giữa doanh nghiệp và chính quyền cần được đẩy mạnh giao dịch qua môi trường số, chính phủ điện tử, tăng cường các ứng dụng thông minh.
Đối với chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 cần phân chia ra làm 2 loại: Gói chính sách “cấp cứu” gồm chính sách tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động nên nới lỏng điều kiện và thủ tục thực hiện để doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất có thể.
Gói thứ hai, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần nhanh chóng thẩm định các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công. Đẩy mạnh chính quyền số, tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng tính minh bạch thông tin, làm sao để hồ sơ của các doanh nghiệp đến các sở, ngành, các doanh nghiệp có thể theo dõi được nếu thiếu thì công bố ngay để doanh nghiệp bổ sung. Cùng với đó, cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu nội địa, đẩy mạnh liên kết vùng.
Về chính sách dài hạn, Thành phố cần nhanh chóng triển khai, cụ thể hóa các chương trình, đề án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình số hóa; ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên FDI có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước để chia sẻ cơ hội cùng phát triển. Đẩy mạnh giao thương quốc tế đối với các đối tác quan trọng cũng như tận dụng một cách hiệu quả nhất cơ chế tự chủ mà Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho thành phố.
“Về phía doanh nghiệp, sớm thích nghi với một nền kinh tế không tiếp xúc, hạn chế tiếp xúc. Cụ thể, cần đổi mới tư duy quản lý và có tầm nhìn dài hạn, có sự liên kết sản xuất theo chuỗi của các doanh nghiệp trong hiệp hội với nhau, hạn chế sự đứt gãy nguồn cung nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Trong lúc khoảng thời gian thị trường bị thu hẹp do giãn cách, các doanh nghiệp dành thời gian này để sắp xếp lại hệ thống quản trị, vận hành của mình, bồi dưỡng, đào tạo bổ sung cho người lao động để thích ứng với tình hình mới, tạo ra những sản phẩm thích ứng với bối cảnh COVID-19 hiện nay.”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, muốn phục hồi kinh tế toàn thành phố nhanh trước mắt phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm; đồng thời, đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thực tế đã chứng mình rằng, chỉ cần “doanh nghiệp không bị phá sản thì doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi” và như “chiếc lò xo bị nén” sẽ bật lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.
Do đó, lãnh đạo thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải phát huy vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận khôi phục kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động để tạo động lực tăng trưởng. Về phía Thành phố, sẽ khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của thành phố, khắc phục hiện tượng “trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ” để các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc ghi nhận, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của thành viên. Từ đó, mạnh dạn đề xuất các giải pháp, hiến kế cùng Thành phố nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh phục vụ mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19.