TP Hồ Chí Minh thực hiện 3 nhóm giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp phòng chống xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Đó là thông tin ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động ứng phó với dịch tả lợn châu Phi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 25/2,

Chú thích ảnh
 Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, cơ quan quản lý thị trường, thú y kiểm soát chặt chẽ tất cả nguồn lợn vào thành phố; yêu cầu tất cả cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, đơn vị kinh doanh thịt lợn chỉ tiếp nhận, phân phối lợn và thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan truyền thông  tăng cường thông tin tuyên truyền đến các cơ sở, hộ chăn nuôi làm tốt việc phòng chống dịch như: tiêu độc khử trùng chuồng trại, kiểm soát người và phương tiện ra vào, không đưa thức ăn có nguồn gốc từ thịt lợn vào trang trại.

Đáng lưu ý, các trang trại, cơ sở chăn nuôi phải chủ động thực hiện các giải pháp an toàn sinh học bảo vệ đàn lợn của thành phố vì hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đặc biệt, việc kiểm soát nguồn lợn nhập vào thành phố cũng có sự phối hợp của đơn vị như quản lý thị trường, lực lượng cán bộ thú y, ban quản lý an toàn thực phẩm để giám sát từ các cửa ngõ giao thông đến cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, đơn vị phân phối. Các quận, huyện kiểm soát chặt chẽ, có giải pháp xử lý các cơ sở giết mổ trái phép vì nguy cơ tuồn lợn bệnh vào các điểm này là rất lớn.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù số lợn vận chuyển vào phía Nam có nguồn gốc từ các tỉnh chưa có dịch bệnh nhưng nguy cơ bị xâm nhiễm vẫn rất cao.

Vì vậy, để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm trên đàn lợn của thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố khuyến cáo các hộ và trang trại nuôi lợn thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, phương tiện vận chuyển và cả nhân viên ra vào chuồng trại. Với các hộ tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn để chăn nuôi, cần xử lý, nấu kỹ ở nhiệt độ cao trước khi cho lợn ăn.

Trong trường hợp lợn có dấu hiệu bị bệnh, người nuôi cần chủ động thông báo với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để có phương án xử lý phù hợp; không giấu dịch, không giết mổ, bán tháo lợn, thịt lợn bệnh; không vứt xác lợn chết ra môi trường để tránh nguy cơ lây nhiễm cho các vùng lân cận.

Riêng với những hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh sẽ được Thành phố hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh với mức hỗ trợ là 38.000 đồng/kg.

Tin, ảnh: Xuân Anh  (TTXVN)
Bộ Nông nghiệp gửi công điện khẩn chống dịch tả lợn châu Phi
Bộ Nông nghiệp gửi công điện khẩn chống dịch tả lợn châu Phi

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có công điện khẩn gửi các bộ ngành liên quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường kiểm soát việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN