Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao động, phát biểu tại tọa đàm.
Đây là ý kiến của hầu hết các chuyên gia nghiên cứu, cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp tại Tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp” do Báo Người Lao động phối hợp cùng Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) tổ chức vào sáng 10/4.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, từ khi Chính phủ đưa ra yêu cầu cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) đến nay, nội lực của ngành điện đã có những bước đột phá lớn, tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo phát triển tại Việt Nam.
Mới đây, Nghị định 56, 57 và 58 năm 2025 của Chính phủ liên quan đến các vấn đề này (bao gồm: Nghị định 56/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện lực; Nghị định 57/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện với quy mô lớn; Nghị định 58/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện từ năng lượng tái tạo và năng lượng mới) đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo môi trường, chính sách thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nguồn điện xanh, tự sản tự tiêu.
Các nghị định đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng sạch thông qua hình thành hành lang pháp lý rõ ràng; đưa ra những mục tiêu, định hướng cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giúp người dân, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất có thể tự sản tự tiêu và có thể xử lý lượng điện dư thừa thông qua bán cho ngành điện.
Ông Hà Đăng Sơn cho rằng, trước thực tế chi phí điện năng ngày càng tăng, việc tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm điện, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong trường hợp sử dụng điện mặt trời, nếu thời tiết không thuận lợi khiến nguồn điện trên mái nhà không đáp ứng đủ nhu cầu, doanh nghiệp được phép sử dụng điện từ lưới điện quốc gia để bù đắp.
“Điều này đã giúp "cởi trói" đáng kể cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) và đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như châu Âu về việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và có chứng chỉ xanh cho sản phẩm”, ông Sơn chia sẻ.
Khái quát về hiệu năng, hiệu quả của năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, khi phát triển điện mặt trời mái nhà, người dân và doanh nghiệp có thể tự cung cấp một phần điện cho chính mình, giúp tiết giảm chi phí tiền điện đáng kể, nhất là khi tiêu thụ từ 401 kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Điều này cũng giúp ngành điện giảm chi phí đầu tư vào lưới điện và cơ sở hạ tầng; giảm áp lực huy động các nguồn điện khi có giá thành cao, mang lại lợi ích cho toàn hệ thống góp phần giảm áp lực lên giá điện; không tạo áp lực lên hệ thống điện quốc gia, ngược lại còn giúp tăng độ tin cậy trong vận hành.
“Đặc biệt, vào giờ cao điểm, khi hệ thống điện chịu nhiều áp lực thì hệ thống điện mặt trời mái nhà lại phát ở mức tối ưu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí điện năng trong dài hạn, từ đó nâng cao tính ổn định trong hoạt động sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế”, ông Dũng chia sẻ đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Tại tọa đàm, ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng mặt trời SPC chia sẻ kinh nghiệm khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời; tính năng, độ bền, lợi ích kép; đồng thời khẳng định sử dụng điện mặt trời mái nhà, người dân có thể giảm đáng kể hóa đơn tiền điện, nhất là nhà có mức tiêu thụ từ 401 kWh trở lên.
Ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Năng lượng Alena (Alena Energy) chia sẻ sản phẩm công nghệ mới chuyển đổi dòng điện một chiều (DC) từ tấm pin mặt trời thành dòng điện xoay chiều (AC) đảm bảo an toàn chống cháy nổ theo tiêu chuẩn. Công nghệ mới còn giúp tăng hiệu suất hệ thống lên hơn 45% so với các bộ biến tần chuỗi, đặc biệt trong điều kiện bóng râm và bảo hành lên đến 25 năm.
Về hệ thống lưu trữ, ông Ánh cho biết, trước đây thường lắp đặt hệ thống điện mặt trời và sau đó có kế hoạch bán điện dư cho EVN, thu về khoảng 2.000 đồng/kWh. Còn người dân và doanh nghiệp phải sử dụng chi phí cao cho giờ cao điểm, nên giải pháp tích điện mặt trời vào bộ lưu trữ để tích vào sử dụng sẽ tiết kiệm chi phí. Thời gian hoàn vốn cho việc đầu tư hệ thống lưu trữ trên khoảng 4,4 đến 4,8 năm, nên khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng cả 2 giải pháp trên.
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh về các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà; dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời đề xuất tăng mức bán điện mặt trời mái nhà vượt mức 20% tổng công suất. Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm và những giải pháp thiết thực nhất để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm điện…