Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Nguy cơ dịch lây lan trong quá trình vận chuyển
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 4.000 hộ chăn nuôi lợn với trên 270.000 con, trong đó có 247 hộ chăn nuôi bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn... dẫn đến có nguy cơ cao đối với dịch tả lợn châu Phi.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, từ đó cũng ảnh hưởng đến việc cung ứng thực phẩm cho người dân. Tuy dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm, khi số lợn nhiễm bệnh này được người chăn nuôi hoặc người kinh doanh "tiếc của" đem tiêu thụ trên thị trường.
“Thành phố có 12 cơ sở giết mổ tập trung nhưng không phải thịt lợn được tiêu thụ tại thành phố hoàn toàn được giết mổ tại thành phố. Bên cạnh đó, dù các cơ quan ban ngành đã rất nỗ lực kiểm soát chợ đầu mối nhưng bên ngoài chợ đầu mối vẫn tồn tại những điểm bán thịt lợn trái phép, đây cũng có thể nguồn tiêu thụ thịt kém chất lượng. Hiện nay, chúng tôi đang hết sức lo ngại sự vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc, nhất là những nơi đang có dịch bệnh vào phía Nam trong đó có TP Hồ Chí Minh nên nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất có thể”, bà Lan cho biết.
Theo Chi cục Thú y và chăn nuôi TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng gần 800 tấn thịt lợn, trong đó số lợn được nuôi tại thành phố chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu của người dân, số còn lại đến từ các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Long An. Thời gian gần đây, do giá thịt lợn phía Nam cao nên lợn từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào miền Nam tiêu thụ cũng rất nhiều. Theo đó, từ ngày 15/2 đến ngày 26/2, chỉ tính riêng các cơ sở giết mổ của thành phố đã tiếp nhận 1.497 con lợn từ các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An nhập về để giết mổ, tiêu thụ. Nguồn lợn từ các tỉnh thành phía Bắc còn được tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Vĩnh Long (300 con/ngày), Long An (khoảng 800 con/ngày)... Quá trình dịch chuyển nguồn lợn từ miền Bắc vào Nam sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhiều xe chở lợn không thực hiện che chắn, gây rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển. Từ ngày 15/2 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử phạt 3 trường hợp chở lợn từ Thanh hóa, Nghệ An, Thái Bình về các tỉnh phía Nam với các hành vi trốn tránh kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật, phương tiện vận chuyển không đảm bảo... Đặc biệt có một trường hợp vận chuyển lợn từ Thái Bình về vựa lợn tại tỉnh Vĩnh Long nhưng không nhập vựa, có nguy cơ "bán chạy" vào các điểm giết mổ trái phép, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Hạn chế vận chuyển để tránh lây lan
Trước tình hình dịch lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã tăng cường lực lượng kiểm tra, chốt chặn tại các tuyến đường giao thông khu vực giáp ranh với các tỉnh; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; dừng phương tiện nghi vấn vận chuyển lợn sống, sản phẩm động vật có biển số từ các tỉnh phía Bắc để kiểm tra. Mặt khác, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các hộ kinh doanh giết mổ lợn trái phép trên địa bàn.
Hiện thành phố đã in sẵn trên 4.000 tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch tả lợn châu Phi để phát cho các hộ nông dân, người chăn nuôi… Bên cạnh đó, Chi Cục thú y và chăn nuôi TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện biện pháp 5 không: Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, chết ra môi trường để làm phán tán dịch bệnh rộng hơn; không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng với ngành thú y trong công tác kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra cơ sở, chốt trạm... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc của thịt lợn, đặc biệt tại các chợ đầu mối và các chợ truyền thống. “Những thịt lợn không có nguồn gốc sẽ bị tịch thu tiêu hủy tại chỗ và phối hợp với các ngành để kiểm soát ngược lại. Hiện thành phố chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng phải sẵn sàng đối phó và luôn luôn phòng ngừa”, bà Lan cho hay.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho hay việc vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, sau đó hợp thức hóa nguồn gốc thông qua các vựa kinh doanh lợn sống hoặc giết mổ đưa sản phẩm về thành phố tiêu thụ rất khó kiểm soát. Do đó, để công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả, tránh nguy cơ dịch bệnh phát tán rộng, ông Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có biện pháp cương quyết trong kiểm dịch vận chuyển từ khu vực các tỉnh có dịch sang khu vực các tỉnh chưa có dịch; các giải pháp về tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn sống và sản phẩm từ lợn để phòng chống dịch bệnh, đồng thời cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng.