Trực tiếp kiểm tra các hộ có lợn bị nhiễm dịch tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc phòng, chống, xử lý dập dịch của huyện nói riêng và thành phố nói chung. Việc dập dịch đã được Hải Phòng làm bài bản, đúng quy định từ khâu tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, lập chốt khoanh vùng dịch, chôn lấp lợn bị nhiễm tả, thống kê hỗ trợ theo quy định của nhà nước...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, do dịch tả lợn châu Phi dễ lan truyền trên đàn lợn, chưa có thuốc đặc trị nên Hải Phòng cùng các địa phương cần tăng cường lực lượng, kiểm soát quyết liệt hơn tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Việc phòng chống dịch phải làm bài bản đúng quy định, tránh tình trạng lơ là khiến dịch lan rộng hoặc tái bùng phát. Thành phố cũng cần hỗ trợ linh hoạt, tạo sinh kế cho người dân vùng dịch ổn định đời sống trong thời gian dập dịch theo quy định.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Hải Phòng ngày 22/2/2019 tại thôn 12, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên. Tính đến 10h ngày 2/3, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 38 hộ tại 12 thôn thuộc 5 xã của 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng với số lợn phải tiêu hủy là 424 con.
Dịch chủ yếu xảy ra ở những xã nằm ở phía Bắc huyện Thủy Nguyên, ven sông Giá, sông Kinh Thầy (giáp với Hải Dương) và sông Bạch Đằng (giáp tỉnh Quảng Ninh). Các hộ có dịch nằm xa các trục đường giao thông chính hoặc nằm biệt lập giữa cánh đồng, bãi ven sông. Dịch chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh kém.
Để phòng, chống dịch hiệu quả, các đơn vị chức năng của Hải Phòng đang tăng cường tuyên truyền tới người dân, thực hiện tích cực việc giám sát dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố đã lập và tổ chức 5 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các đầu mối giao thông; tiếp nhận và cung ứng 10.000 lít hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương có dịch, kịp thời phục vụ công tác chống dịch; tiến hành chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy...
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch tại Hải Phòng hiện gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn thành phố còn tồn tại 712 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ, phân tán khó kiểm soát. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 75,5% không thực hiện đầy đủ các biện pháp về vệ sinh phòng dịch, trong khi đó chưa có vắc xin và thuốc điều trị.
Đó là chưa nói đến trên địa bàn xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên có công ty TNHH giống lợn Dabaco Hải Phòng, bình quân mỗi ngày xuất bán 4.500 con lợn giống. Mặc dù là xã có dịch và theo quy định phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được kiểm dịch vận chuyển lợn đi tiêu thụ, nhưng chi phí xét nghiệm khoảng 5 triệu đồng/xe (từ 100 đến 500 con).