TP Hồ Chí Minh kiểm soát chặt nguồn thịt lợn khi đưa ra thị trường tiêu thụ

Nhờ kiểm soát chặt chẽ các khâu, TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện thịt lợn nhiễm bệnh tả châu Phi xuất hiện trên thị trường, dù Đồng Nai - địa phương nằm sát TP Hồ Chí Minh, đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cam kết 100% thịt lợn "sạch"

Để cung ứng thịt lợn an toàn cho thị trường, các doanh nghiệp cung ứng tại TP Hồ Chí Minh đã cam kết thực hiện quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến phân phối với mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “từ trang trại đến bàn ăn”.

Chú thích ảnh
Tại TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chuyên ngành kiểm tra chất lượng thịt lợn tại lò mổ, chợ đầu mối hàng ngày trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Mạnh Linh

Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm, Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) có 130.000 điểm bán theo kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, 55 điểm giới thiệu sản phẩm tại các hệ thống cửa hàng.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết năm 2018, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 24.040 tấn thịt lợn và hơn 22.660 tấn thực phẩm chế biến. Để đảm bảo đủ thịt lợn sạch cung cấp cho người tiêu dùng, đơn vị đã chủ động liên kết với những trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp có quy mô lớn và vừa, đạt chứng nhận VietGap, có trình độ kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, có quy trình kiểm tra thú y nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn dịch bệnh, đủ năng lực cung cấp thường xuyên cho Vissan khoảng 1.500-2.000 con lợn thịt mỗi ngày.

“Vissan cam kết 100% thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn đều an toàn. Đơn vị có nguồn nguyên liệu lợn hơi chủ yếu lấy từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh chưa có dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, công ty luôn chủ động thu mua dự trữ thịt lợn nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá cả thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đạt chuẩn, không có dịch bệnh. Thời gian qua, Vissan thực hiện mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “từ trang trại đến bàn ăn”, kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đưa ra thị trường”, ông Phan Văn Dũng cho biết thêm.

Bên cạnh các nhà sản xuất cam kết cung ứng thịt lợn "sạch" 100% trước khi đến tay người tiêu dùng, các nhà phân phối hiện đại như Saigon co.op, Lotte Mart, Big C, Vinmart… cũng tăng cường nhân lực, vật lực để kiểm soát chặt nguồn gốc thịt lợn trước khi nhập hàng về bán.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết ngay khi có thông tin về bệnh dịch, hệ thống đã ngay lập tức áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể, như: Tăng tần suất giám sát trực tiếp quy trình tiếp nhận và giết mổ; tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay khách hàng; phối hợp các nhà cung cấp thịt trong nước có phương án dự phòng cho kịch bản nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch...

Trong khi đó, bà Nguyễn Uyên Thao, đại diện truyền thông của hệ thống siêu thị Lotte Mart, cho biết việc thu mua và phân phối thịt lợn của đơn vị được tiến hành theo phân tích nhu cầu tiêu dùng của từng khu vực, từ đó đơn vị sẽ cùng nhà cung cấp sẽ phân phối hàng hóa mỗi ngày đến người tiêu dùng. "Mỗi siêu thị của Lotte Mart đều có bộ phận kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào để đảm bảo nguồn cung thịt lợn an toàn đến tay người tiêu dùng. Thịt lợn nhập vào hệ thống siêu thị phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm của nhà nước, có nguồn gốc xuất xứ, có đóng dấu của đơn vị thú y...", bà Nguyễn Uyên Thao cho biết.

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ thịt lợn

Ông Phạm Thành Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là đang áp sát thành phố, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các doanh nghiệp đầu mối cung cấp thịt lợn lớn như công ty C.P, Vissan, Công ty Nông nghiệp Sài Gòn… để chuẩn bị sẵn sàng nguồn thịt lợn an toàn cho thị trường. Sở cũng làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố nhập thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chú trọng đến các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng khi mua thịt lợn có thể truy xuất nguồn gốc tại các hệ thống phân phối hiện đại. Ảnh: H.T

Đối với các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối tăng cường lực lượng thú y, kiểm tra tại chỗ, kiểm tra tập trung chất lượng thịt lợn hàng ngày trước khi ra các chợ truyền thống tiêu thụ. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh truyền thông tích cực, giúp người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh hiểu đúng, bình tĩnh hơn trước dịch bệnh, không quay lưng với thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày của gia đình… Vì vậy, trong thời gian qua, nguồn cung và giá thịt lợn trên địa bàn thành phố khá ổn định, không có nhiều biến động. Các bếp ăn tập thể đã bắt đầu ăn thịt lợn trở lại và có xu hướng tìm đến các địa điểm cung ứng thịt lợn sạch, an toàn, có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện giá lợn hơi tại TP Hồ Chí Minh đang ở mức 45.000 - 47.000 đồng/kg với tổng lượng tiêu thụ lợn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khoảng 10.000 con/ngày, trong đó từ 6.200 - 6.500 con/ngày tại TP Hồ Chí Minh và 2.500 - 3.000con/ngày từ các tỉnh khác. Để đảm bảo việc kiểm tra chất lượng thịt lợn tại các chợ, ngoài Đội quản lý an toàn thực phẩm của các chợ đầu mối còn có Đội quản lý ATTP của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh túc trực 24/24.

Theo ông Phát, lượng thịt lợn tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh hiện nay chủ yếu được phân phối chính bởi các chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố như công ty Vissan, San Hà, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các chợ đầu mối… Đây là nguồn cung đã được thành phố giám sát chặt chẽ các khâu trước khi các đơn vị cung ứng thịt lợn ra thị trường. Các đơn vị trước khi đưa thịt lợn ra thị trường tiêu thụ đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn về thú y như không có dịch bệnh, không dư lượng kháng sinh, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGap…

“Để hỗ trợ người chăn nuôi trong những thời điểm khó khăn, Chi cục Thú y đã kết nối người nông dân với các nhà thu mua như Vissan để tiêu thụ lợn cho bà con. Đối với các trang trại trên địa bàn thành phố được chứng nhận VietGap, nếu bà con có khó khăn trong việc tiêu thụ có thể đăng ký qua Chi cục để tổng hợp và đề nghị các đơn vị thu mua hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn sạch. Tuy nhiên, giá thị trường và sức mua đang ổn định nên hiện bà con nông dân chưa cần Chi cục hỗ trợ trong khâu tiêu thụ thịt lợn”, ông Phát cho biết thêm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị bệnh và phải tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm hơn 4% tổng đàn lợn cả nước
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Kiểm soát chặt, hạn chế dịch tả lợn châu Phi lan rộng
Kiểm soát chặt, hạn chế dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn ra phức tạp, các địa phương trong cả nước đang tập trung các giải pháp khoanh vùng, hướng dẫn người chăn nuôi kịp thời phát hiện, khai báo dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN