Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở nhiều tỉnh phía Nam, mặc dù đàn lợn của TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện nhiễm bệnh nhưng do TP Hồ Chí Minh là địa bàn tiêu thụ lượng lớn thịt lợn nên khả năng lây nhiễm rất cao. Trong những ngày qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp TP Hồ Chí Minh đã "căng mình" phòng chống dịch nhằm ngăn ngừa lây lan.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, với diễn biến phức tạp hiện nay, tình huống nào cũng có thể xảy ra trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh làm tốt việc chốt chặn những tuyến đường giáp ranh các tỉnh để kiểm soát, mỗi địa phương cần chuẩn bị trước tất cả các phương án, có sẵn địa điểm tiêu hủy tại chỗ. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra cần xử lý nhanh gọn và dứt điểm, quan trọng là phải kiểm soát được tình hình, không để dịch bệnh lan rộng. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng tăng cường kiểm soát giết mổ lậu, bởi đây là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; đồng thời Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng giới thiệu cho các địa phương đầu mối có thể mua lợn giết mổ trữ đông.
Trong khi đó, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn an toàn cho người dân, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với các doanh nghiệp đầu mối cung cấp thịt lớn như CP, Vissan, San Hà, Ba Huân… sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng lớn để phân phối ra thị trường, đảm bảo cung cấp 147 tấn thịt lợn và 120 tấn thịt gà mỗi ngày cho người dân.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nguồn cung thịt lợn của thành phố vẫn đảm bảo cung ứng dồi dào cho thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, thành phố đang khuyến khích doanh nghiệp thu mua, cấp đông dự trữ thịt lợn. Bởi hiện nay, thành phố chỉ có 15 - 20% lượng thịt lợn được nuôi chủ động, còn lại phải nhập từ các tỉnh thành phố khác. UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với 6 doanh nghiệp lớn trên địa bàn để khẩn trương thu mua, dự trữ thịt lợn và đề nghị các doanh nghiệp này chủ động tìm các nguồn thực phẩm an toàn khác thay thế nếu nguồn thịt lợn sụt giảm.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết ngay khi có dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch tăng lượng lợn giết mổ, cấp đông sẵn nguồn hàng cho người tiêu dùng khi nguồn hàng khan hiếm. Theo đó, mỗi ngày, công suất giết mổ của đơn vị đang duy trì khoảng 1.200 con lợn. "Khó khăn và lo lắng của doanh nghiệp khi tham gia cấp đông dự trữ thịt lợn chính là chi phí cho thịt cấp đông cao hơn nhiều so với thịt nóng. Đặc biệt, khi cấp đông xong thì không biết khi nào có thể giải phóng hàng tồn kho, bởi nếu đến cuối năm nguồn thịt nóng dồi dào, trong khi đó tâm lý của người tiêu dùng lại chỉ thích mua thịt nóng vậy thịt cấp đông sẽ sử lý ra sao khi không có đầu ra", ông Nguyễn Ngọc An cho biết.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc An cũng cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí cấp đông thịt lợn và giảm lãi suất ngân hàng để doanh nghiệp duy trì các hoạt động cấp đông và dự trữ nguồn hàng khi nguồn cung thiếu hụt. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, trong trường hợp dịch bệnh tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn thịt lợn nóng vẫn dồi dào, khi đó Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra tiêu thụ thịt lợn đã dự trữ, cấp đông hiện nay.
Theo ông Phạm Thành Kiên, TP Hồ Chí Minh đang có lợi thế là có hệ thống kho cấp đông nhiều. Bởi hiện hệ thống kho chứa của TP Hồ Chí Minh đủ đáp ứng chương trình bình ổn giá và TP Hồ Chí Minh sẽ vận động các doanh nghiệp có kho chứa hỗ trợ cấp đông thịt lợn cho các địa phương giáp ranh. Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh hiện đã có nhận thức rộng mở hơn giữa thịt nóng và thịt đông lạnh, bởi nếu có mua thịt nóng, các gia đình cũng bỏ tủ lạnh cả tuần để sử dụng dần. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh vào khoảng 4.000 tấn thịt lợn/tháng và khi các doanh nghiệp cấp đông, dự trữ nguồn hàng thì sẽ đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho người dân trong nhiều tháng khi dịch bệnh tả châu Phi diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các chợ truyền thống trong ngày 3/6, sức tiêu thụ thịt lợn không cao, thậm chí còn giảm sâu so với những tháng trước. Chị Lê Thị Linh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phước Bình (quận 9) cho biết: "Ngày trước, nếu có 10 người đi chợ mua thực phẩm thì có 8 - 9 người chọn mua thịt lợn, nhưng từ ngày có dịch tả lợn châu Phi thì chỉ còn có khoảng 2 - 3 người mua, số còn lại chuyển sang mua thịt gà, cá, hải sản… Do lượng khách mua giảm mỗi ngày nên tôi chỉ nhập khoảng 50 kg thịt lợn về bán nhưng cũng phải bán hết ngày mới hết hàng".
Với tâm lý e ngại không kiểm chứng được nguồn gốc thịt lợn tại các chợ truyền thống, nhiều bà nội trợ đã chuyển hướng sang chọn mua thịt lợn tại các hệ thống phân phối hiện đại. Điều này đã khiến cho sức mua thịt lợn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cao. Theo đại diện của các siêu thị, hiện sức mua thịt lợn tại các siêu thị tăng 2 - 3 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra. Hiện hệ thống các siêu thị cũng đảm bảo khâu nhập hàng, bảo quản thịt lợn và có dấu kiểm dịch thú y hàng ngày để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.